Ông tôi hiếm khi ra khỏi làng, trừ khi ông phải đến bệnh viện khám định kỳ vì vết thương ở đầu có nguy cơ tái phát. Khi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, ông bị một mảnh đạn găm vào đầu nhưng rất may là không nguy hiểm đến tính mạng.
Ông tôi hiếm khi ra khỏi làng, trừ khi ông phải đến bệnh viện khám định kỳ vì vết thương ở đầu có nguy cơ tái phát. Khi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam, ông bị một mảnh đạn găm vào đầu nhưng rất may là không nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi được các bác sĩ quân y mổ gắp mảnh đạn ra, ông nằm hôn mê cả tuần trời mới tỉnh. Ông hồi phục kỳ diệu sau cơn thập tử nhất sinh. Sau này, mỗi khi kể lại cho các cháu nghe, ông cứ cười khà khà: “Thần Chết cũng phải đầu hàng ông đấy!”
Nhưng những di chứng của vết thương khi trái gió trở trời lại làm ông váng đầu, hoa mắt. Ông không thích đi đâu xa vì cứ ngồi ô tô là ông bị say xe, mệt mỏi, không thiết ăn uống gì. Mỗi lần nhà tôi đi du lịch, ông chỉ để bà đi cùng, một mình ông ở nhà tự xoay xở việc ăn uống, dọn dẹp. Tính ông vốn sạch sẽ nên ông luôn chân luôn tay, khi thì tháo máy khử mùi đánh rửa, khi thì tháo các quạt điện lau chùi sạch bóng. Bố mẹ tôi và anh em tôi rất thương ông, chỉ muốn ông đi du lịch cùng cho biết đó biết đây, để ông được ngủ khách sạn, thưởng thức những món ăn ngon và ngắm nhiều cảnh đẹp của đất nước nhưng chẳng ai thuyết phục được ông.
Hè này đồng đội cũ của ông quyết định họp mặt ở nơi chiến trường xưa để viếng những đồng đội đã hy sinh, để cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời vào sinh ra tử. Lúc nhận được điện thông báo, ông cứ trằn trọc khó ngủ, ban ngày thì ông suy nghĩ mông lung. Thấy ông lưỡng lự, bố tôi quyết định đặt vé máy bay trước rồi mới thông báo cho ông biết:
- Bố ạ! Nhân dịp này cả gia đình mình vào Nam du lịch một chuyến. Mấy năm nay dịch Covid-19 làm chúng con cũng chưa tổ chức đi xa được.
Ông tôi vui mừng ra mặt nhưng sờ lên đầu và nhăn nhó:
- Mỗi tội vết thương làm bố mệt mỏi, say xe... chứ bố cũng thích đi lắm. Bố nhớ đồng đội...
Mẹ tôi nhanh nhảu:
- Bố yên tâm! Bố uống thuốc chống say xe của Hàn Quốc hiệu nghiệm lắm!
Bà tôi cũng xen vào:
- Ông cứ quên cái chuyện mình say xe đi, đi nhiều thì mới quen chứ...
Tôi hào hứng:
- Ông cho con đi thăm nhà tù Côn Đảo, ông nhé!
Ông vui vẻ:
- Được rồi, được rồi! Ông sẽ cho các con đi thăm “Chuồng cọp”.
Thế là kế hoạch về chuyến đi được vạch ra. Mẹ tôi mua quần áo đồng phục cho cả gia đình. Lúc mặc áo phông màu xanh nước biển lên người, trông ông bà trẻ ra cả chục tuổi. Ông cười bảo bà: “Đúng là người đẹp vì lụa, bà nhỉ?”
Lần đầu tiên được đi máy bay, ông có vẻ hồi hộp lắm. Ông ngồi cạnh ghế của tôi, tay nắm chặt tay tôi lúc máy bay cất cánh:
- Hiện đại quá cháu nhỉ? Phấn đấu làm phi công cháu ạ!
- Vâng ạ! Cháu sẽ cố gắng - Tôi vẫn không rời tay ông.
Đến lúc đi thang máy lên phòng nghỉ ở khách sạn, quẹt thẻ mở cửa phòng, ông cũng trầm trồ:
- Hiện đại quá nhỉ? Thế này chả trách mình lạc hậu.
Ông không tỏ ra mệt mỏi hay say xe. Ông đang mong được đến điểm hẹn để gặp đồng đội cũ. Khi ăn buffet, ông ngạc nhiên:
- Sao người ta làm nhiều món thế? Chả bù cho ngày xưa, đói vàng cả mắt. Lúc chiến đấu ở trong rừng, lương khô cũng phải ăn dè.
Bà tôi lo ông bị đau dạ dày nên nhắc:
- Ông ăn ít món thôi, phải nghe ngóng cái bụng của mình xem.
Ông tôi vốn ăn uống điều độ, kiêng khem nên mỗi món ông chỉ nếm một ít, nhiều món lạ ông không dám động vào.
Ngày ông đi họp mặt đồng đội thì chúng tôi đi tắm biển. Tối về khách sạn nghỉ, ông kể rất nhiều chuyện cho con cháu nghe. Có lúc mắt ông ánh lên niềm vui khi nhắc đến mấy ông bạn là chủ vựa tôm, lúc lại buồn rầu khi kể có đồng đội già yếu, không con, không cháu vì ảnh hưởng chất độc màu da cam...
Hôm sau, cả nhà tôi bay ra Côn Đảo - điểm đến lịch sử. Khi tới đây, tôi hình dung những hành động tra tấn dã man mà những chiến sĩ thời xưa phải chịu đựng. Tôi rùng mình, không tin nổi đó là những hành động dùng với con người: đánh đập bằng đòn củi, nẹp hai thanh tre vào ống chân, bỏ đói, bỏ khát trong thời gian dài… Tôi chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên kể những câu chuyện kỳ bí, về những chiến sĩ anh dũng đã bất khuất, kiên cường, không chịu khuất phục trước những hình thức tra tấn man rợ của bọn giặc.
Ông tôi trầm ngâm:
- “Địa ngục trần gian” đấy các con ạ!
Nghe ông kể thêm về “Chuồng cọp”, tôi vừa bàng hoàng vừa cảm phục lòng dũng cảm, sự trung thành của các thế hệ ông cha, của những tấm gương liệt sĩ mãi mãi được Tổ quốc ghi công và cảm phục những thương binh như ông tôi, những người may mắn trở về từ “cõi chết”.
Về đến nhà sau chuyến đi năm ngày, ông tôi mãn nguyện và bảo: “Bây giờ có chết thì cũng thỏa rồi, biết thế nào là máy bay, thang máy và ăn buffet rồi”. Tôi níu cánh tay ông, lắc dầu:
- Không! Nhất định ông phải khỏe mạnh để cả nhà mình còn có nhiều chuyến đi thú vị nữa, ông nhé!
VƯƠNG TUẤN KHANH(Lớp 11A, Trường THPT Nam Sách)