Chiều 23 tháng Chạp, điều dưỡng Nguyễn Thị Liên bắt đầu lên xe đi vào bệnh viện điều trị người mắc Covid-19. Tết này chị và gia đình mỗi người mỗi nơi.
“Khi nào mẹ về” - đó là câu hỏi của lặp đi lặp lại của đứa con trai học lớp 3 khi gọi cho điều dưỡng Trang mỗi ngày.
Tại Bệnh viện dã chiến số 2 (đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương), nơi đang điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân, những nữ điều dưỡng như Liên và Trang là lực lượng nòng cốt.
Tôi là Nguyễn Thị Liên, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương, 37 tuổi, quê ở huyện Cẩm Giàng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả tôi và chồng (bác sĩ Chu Văn Tuyên, giảng viên Cao đẳng Y tế Hải Dương) đều ghi tên vào danh sách xung phong lên tuyến đầu chống dịch.
10h30 ngày 23 tháng Chạp, tôi nhận được cuộc gọi từ người điều phối nhân lực của Sở Y tế với giọng điệu gấp gáp: “Chị Liên chuẩn bị luôn nhé. Hôm nay chị đi nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 2. Xe sẽ đón chị vào đầu giờ chiều”. Cuộc gọi chỉ thông báo thời gian đi, chưa ấn định ngày về.
Bỏ lại mâm cỗ đang dang dở cho chồng phụ trách, tôi vội vàng chuẩn bị đồ dùng cá nhân với vài bộ quần áo cho vào vali. Bữa cơm hôm ấy thật đặc biệt với chúng tôi. Thế là Tết đầu tiên tôi và gia đình mỗi người mỗi nơi. Hai đứa con gái nhỏ một lớp 5, một lớp 2 ôm tôi mãi. Dù vậy, Giang và Phương là hai cô bé rất hiểu chuyện. Biết bố mẹ làm nghề y, thường phải đi trực, công tác nên các con đều tự lập.
Đến viện, tôi được phân công nhiệm vụ tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Ở đây, chúng tôi phải ghi tên nhau vào phần trước và sau trên lớp đồ bảo hộ để nhận ra nhau.
Mọi người cố gắng giữ vị trí của mình để khi cần thì có thể nhận ra nhau nhờ cái tên trên áo. Trong trường hợp lạc mất nhau, buộc chúng tôi phải dùng điện thoại, nhưng trường hợp này rất hiếm, phải hạn chế.
7h hàng ngày, công việc chính của tôi là giám sát các đồng nghiệp thay quần áo bảo hộ. Nếu sai quy trình, chúng tôi rất dễ bị lẫy nhiễm virus từ người bệnh. Công việc kéo dài đến tối muộn tôi mới được về khu cách ly riêng dành cho nhân viên y tế.
“Mẹ ơi, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”, trong những cuộc trò chuyện với con từ khu cách ly, Thu Giang và Thu Phương đều không quên dặn dò tôi như thế mỗi ngày.
Tôi là điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền Trang, 35 tuổi, làm nhiệm vụ lấy mẫu dịch hầu họng, mẫu máu cho các bệnh nhân để theo dõi tình trạng sức khỏe và kết quả xét nghiệm. Bệnh viện có gần 300 người mắc Covid-19, số lượng lớn nên nhiều áp lực.
Tôi thường mặc đồ bảo hộ liên tục trong vòng 4 tiếng. Mồ hôi chảy thấm ướt hết quần áo bên trong, tấm kính ngăn giọt bắn mờ mờ khiến cho tôi không thể làm việc nhanh như bình thường. Chưa kể bất tiện những lúc đi vệ sinh bởi việc thay quần áo ra, mặc quần áo vào đã tốn 20 phút.
Để hạn chế đi vệ sinh, đặc biệt là trong ca trực đêm, tôi thường không dám ăn canh, cơm cũng phải ăn ít lại, khát nước chỉ nhấp ngụm nhỏ. Đồ bảo hộ rất giá trị, nên chúng tôi đều cố gắng sử dụng tiết kiệm.
“Khi nào mẹ về” - đó là câu hỏi của lặp đi lặp lại của đứa con trai học lớp 3 của tôi. Dịch Covid-19 xuất hiện ở Hải Dương khiến cậu nhỏ phải về với ông bà nội, anh lớn thì ở nhà học online. Chồng tôi cũng làm việc tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương nhưng nhận nhiệm vụ ở vòng ngoài. Từ ngày tôi vào khu cách ly, anh đảm nhận việc chăm con.
Nhớ con, nhưng tôi biết rằng mình cần ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng tâm lý xác định chuyến công tác này sẽ kéo dài.
Tôi là điều dưỡng Phạm Thị Ngọc Thủy, 30 tuổi, làm việc tại khoa Nội, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Khi thành lập Bệnh viện dã chiến 2, tôi nằm trong danh sách những cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Những ngày đầu tiên thiết lập bệnh viện dã chiến, mọi người đều phải làm việc hết công suất để sớm đón bệnh nhân. Đến 19/2, tôi nhập kíp thứ 3 vào đây trực tiếp điều trị người mắc Covid-19.
Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến tôi có cảm giác như mặc áo mưa đứng ngoài nắng. Cảm giác này rồi cũng quen dần.
Tôi lập gia đình từ năm 2016, nhưng vợ chồng hiếm muộn. Sau khi vào TP.HCM chữa trị, giữa năm 2019, tôi sinh đôi 2 bé gái. Vợ chồng cùng thích xem phim hoạt hình One Piece (Đảo Hải Tặc) nên đặt tên con là Vi An, Vi Vi.
Con đã được 19 tháng tuổi, biết nói bi bô “bố ơi, mẹ ơi”. Hiếm khi tôi gọi điện về nhà bởi lúc mình rảnh thì các con đã ngủ, khi con thức thì mẹ lại đang trong ca trực. Bởi vậy, cứ nhìn thấy hình ảnh của con là tôi lại nhớ. Nhưng mỗi sáng bắt đầu ca trực, thấy nhiều người bệnh chưa khỏi, tôi biết rằng mình cần phải duy trì tốt tinh thần làm việc.
Chồng tôi làm kinh doanh tự do. Do dịch bệnh bùng phát, anh đang ở nhà và cùng mẹ chồng chăm hai bé giúp tôi. Tôi may mắn được anh và mẹ chồng ủng hộ, động viên đi làm nhiệm vụ. Cảm ơn anh và mẹ rất nhiều.
Tôi là Phạm Thị Hà, 24 tuổi, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà. Trong các nhân viên y tế được điều động về đây, tôi là một trong số những người trẻ nhất và chưa lập gia đình.
Tôi không nhớ chính xác ngày mình đến bệnh viện dã chiến. Trong suốt khoảng thời gian qua, việc tôi lưu tâm hàng ngày chỉ là thời gian biểu, lịch trình công việc.
Nhiệm vụ chính của tôi là bốc thuốc cho bệnh nhân khi bác sĩ chỉ định trong bệnh án. Đây chỉ là công việc đơn giản nhưng mất nhiều thời gian và cần tập trung để không nhầm lẫn.
Hết việc của mình, tôi đi lại liên tục xem đồng nghiệp hay bác sĩ cần gì hỗ trợ như theo dõi sức khỏe, các chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân.
Với bản thân tôi, việc được sát cánh cùng đồng nghiệp trong cuộc chiến Covid-19 là cơ hội trải nghiệm và trau dồi nghề nghiệp quý giá.
Gia đình tôi có 2 anh em thì đều vắng nhà vì tham gia chống dịch. Anh trai tôi làm việc tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC). Kể từ khi dịch bùng phát, đơn vị của anh chịu trách nhiệm thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho đến nay.
Kíp trực của chúng tôi lần này có 6 nữ, 18 nam. Trong những bữa cơm trưa vội vàng, mọi người thường nói chuyện vui cho bớt không khí mỏi mệt. Lúc đó, chúng tôi cũng mới được nhìn thấy nhau sau bộ đồ bảo hộ. “Đi đợt này còn đâu thời gian mà yêu đương nữa”, một đồng nghiệp vui vẻ nói đùa với tôi.
Mỗi người chúng tôi đã cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, chỉ mong nhiều bệnh nhân xuất viện để cuộc sống trở lại bình thường.
Theo Zing