10 năm về trước, tôi về Duy Tân để phản ánh việc giải quyết của cơ quan chức năng tại điểm phức tạp thôn Châu Xá, trong lòng nặng trĩu bởi lòng dân phân ly. 10 năm sau trở lại, chuyện đã khác…
Bà Trần Thị Thân ở phố Thánh Quang tự nguyện phá căn nhà mái bằng để hiến đất mở đường. Sau khi biết thông tin, lãnh đạo phường Duy Tân kịp thời đến động viên, khen ngợi bà
3 điều đặc biệt
Nhắc đến phường Duy Tân (Kinh Môn), tôi ấn tượng bởi 3 điều đặc biệt. Thứ nhất, nơi đây có di tích chùa Nhẫm Dương thuộc cụm di tích đền Cao - động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương, là di tích quốc gia đặc biệt ở Kinh Môn. Ở gần chùa, trên núi Nhẫm Dương còn có hang Thánh Hóa - một trong những nơi cư trú sớm nhất của người tiền sử trên đất Hải Dương. Thứ hai, những năm 2013-2014, phường Duy Tân khi ấy còn là xã để xảy ra một điểm phức tạp về an ninh trật tự tại thôn Châu Xá. Lúc đó, lợi dụng việc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Trường Khánh và một hộ dân có sai phạm về đất đai, môi trường, nhiều người dân thôn Châu Xá đã đào đường, phá cống, dựng một số lều bạt để ngăn cản hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn thôn này, có một số hành vi khác gây mất an ninh trật tự. Sau hơn 1 năm, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã vào cuộc giải quyết, vụ việc nóng bỏng ở đây mới được vãn hồi.
Đó là chuyện của quá khứ. Giờ đây, về Duy Tân, điều ấn tượng thứ ba mà tôi cảm nhận rõ là sự đồng thuận cao của nhân dân trong hiến đất làm đường, chỉnh trang đô thị, là những bài học, kinh nghiệm quý về dân vận khéo, đúng như lời Bác Hồ từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hàng chục hộ dân ở phố Cúc Tiên hiến đất mở đường
Để minh chứng cho lòng dân thuận theo ý Đảng trong hiến đất làm đường, đồng chí Đào Quang Thời, Bí thư Đảng ủy và đồng chí Trần Hồng Túc, Chủ tịch UBND phường dẫn tôi đi thị sát quanh phường. “Từ đầu năm 2022 tới giờ, cả phường như một công trường lớn. Cả phường có 5 khu thì 4 khu đang triển khai mở rộng, cải tạo các tuyến đường, con ngõ quan trọng với tổng chiều dài hơn 2,2 km, kinh phí hàng tỷ đồng nhà báo nhé. Người dân đều đồng lòng hiến đất, nhiều nhà còn phá cả nhà ở, tường, cổng… để mở đường”, đồng chí Trần Hồng Túc hồ hởi chia sẻ.
Quả thật, xe chở nguyên vật liệu làm đường ra vào liên tục các khu phố, con ngõ. Cứ đi một lúc, tôi lại thấy những chiếc máy xúc đang phá dỡ nhà, cổng, tường bao của người dân để mở rộng đường. Nhiều người dân kéo ra đường đứng nhìn, khuôn mặt rạng rỡ vì sắp có đường mới rộng rãi, khang trang, đi lại sẽ thuận tiện hơn, diện mạo đô thị nhiều đổi thay.
Chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà mái bằng vừa mới được máy xúc phá dỡ xong. Chủ nhà là bà Trần Thị Thân, sinh năm 1957, ở phố Thánh Quang, khu Nhẫm Dương.
- Nhà bà xây lâu chưa, diện tích nhà mới bị phá là bao nhiêu ạ? - tôi hỏi.
- Nhà này tôi xây năm 2008, diện tích 40 m2 - bà Thân vừa cười vừa nói.
- Vậy ở nhà này mới được hơn 14 năm mà đã phải phá đi rồi, bà có tiếc không?
- Tôi đập nhà này nhưng vẫn còn 1 nhà nữa đây, tôi sẽ ở cùng với con trai. Được chính quyền phường và cán bộ thôn vận động hiến đất, dỡ nhà để mở rộng tuyến phố này giúp đi lại thuận lợi, tôi đồng lòng - bà Thân nói ngắn gọn. Tôi thấy bà hơi ngại khi chia sẻ về một việc tốt mà không dễ gì ai cũng làm được.
Sau nhiều năm mở rộng, các tuyến đường trục chính, đường ngõ xóm ở Duy Tân hiện rất rộng rãi. Có nhiều tuyến đường phố rộng 10-15 m, còn rộng hơn nhiều tuyến đường lớn ở TP Hải Dương.
Ở Duy Tân, những năm gần đây, đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, phá nhà ở, phá cổng, tường bao, công trình phụ để làm đường. Ở một số ngõ, mặc dù cấp ủy, chính quyền chưa vận động nâng cấp, mở rộng nhưng thấy lợi ích rõ rệt, nhân dân tự bảo nhau đóng góp kinh phí, đầu tư mở đường.
Đứng dậy từ nơi đã ngã
Thợ thi công đổ bê tông ở phố Nhà Thờ
Ngồi trò chuyện với nhiều cán bộ địa phương, tôi mới biết để có được sự đồng tình của nhân dân trong mở rộng đường nói riêng và nhiều công việc khác ở địa phương nói chung, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nơi đây phải cố gắng rất nhiều. Và điều đặc biệt là họ đã thấm thía, đồng thời biết rút ra những kinh nghiệm quý, những điều phải làm, những điều phải tránh từ vụ việc phức tạp tại thôn Châu Xá 10 năm trước. Nói nôm na, địa phương đã biết đứng dậy từ chỗ đã ngã.
Tôi hỏi cùng một câu rằng: Từ vụ việc Châu Xá 10 năm trước, các đồng chí rút ra những bài học kinh nghiệm gì để áp dụng cho những việc đã làm, đang làm? Không ai bảo ai song 5 người được hỏi là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khu Châu Xá và 1 đảng viên cao tuổi đều cho tôi một đáp án chung. Đó là việc gì muốn thành công thì đều phải có sự đồng lòng của nhân dân. Phải thực hiện tốt công tác dân vận trong hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” để nhân dân thực sự tin tưởng vào mọi công việc, nhiệm vụ của địa phương. Hệ thống chính trị địa phương phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết của nhân dân, mà đoàn kết thực chất, không phải đoàn kết hình thức, xuôi chiều. Muốn đoàn kết thì cán bộ, đảng viên phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có hình thức, biện pháp giải quyết kịp thời. Cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đơn cử trong việc xây dựng, chỉnh trang đô thị, những bài học về dân vận rút ra sau vụ Châu Xá đã được áp dụng. Đảng ủy cũng lấy việc chỉnh trang đô thị đăng ký là công việc đột phá. Sau đó, cả hệ thống chính trị của phường, từng khu đều tổ chức họp bàn, phổ biến, tuyên truyền để đông đảo nhân dân nắm bắt được chủ trương, nhiệm vụ này. Nhiều đảng viên, người có uy tín ở các khu dân cư đã gương mẫu đi đầu trong hiến đất làm đường, vận động gia đình, hàng xóm cùng thực hiện. Trước khi triển khai, người dân đều được bàn bạc kỹ lưỡng, chủ động đề xuất, kiến nghị từng công việc cụ thể và được giải quyết có lý có tình. Do đó, đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân đóng góp kinh phí, công sức, hiến đất, phá nhà, công trình phụ, tường bao để mở đường với khí thế hừng hực, sôi nổi.
Hướng tới được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng cờ thi đua
Diện mạo phường Duy Tân ngày càng đổi mới
Nhưng Duy Tân không chỉ có đường rộng, nhà cao tầng, công trình công cộng bề thế, đẹp đẽ. Là đảng viên ở khu Châu Xá từng tích cực vận động nhân dân không vi phạm pháp luật trong vụ việc 10 năm về trước, chứng kiến đổi thay của quê hương mình sau 1 thập kỷ, ông Trần Văn Phát cười nói với tôi: “Sau 10 năm, mọi mặt của địa phương đều phát triển. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được hoàn thiện, khang trang. Đời sống kinh tế nhân dân phát triển tương đối đồng đều. Con cái các gia đình đều được chăm lo học hành chu đáo”.
Chỉ cần nhìn qua mấy số liệu của Duy Tân năm 2022 đầy khó khăn, tôi cũng thấy vui lây với niềm vui của nhân dân nơi đây: thu nhập bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng, tăng 4,58 triệu đồng; thu ngân sách địa phương đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Tất cả 5 khu đều là khu dân cư văn hóa, 2 ngôi trường đều đạt chuẩn. Số hộ khá, giàu ngày càng nhiều, hộ nghèo ngày càng giảm. Ở vỉa hè, trong ngõ, nhiều xe ô tô con của người dân đỗ san sát… minh chứng cho sự phát triển của nhân dân vùng đất này.
Đặc biệt, làm tốt công tác dân vận đã góp phần vào thành tích chung của Đảng bộ địa phương. Liên tục từ năm 2016 đến năm 2019, Đảng bộ xã Duy Tân đạt trong sạch, vững mạnh, được Ban Thường vụ Huyện ủy Kinh Môn (nay là Thị ủy Kinh Môn) tặng giấy khen. Liên tiếp 2 năm 2020 và 2021, Đảng bộ phường Duy Tân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen. Năm nay, Đảng bộ phường Duy Tân tiếp tục duy trì tốt thành tích, thực hiện nổi bật công việc đột phá và cũng được đề nghị Tỉnh ủy khen thưởng. Đảng bộ phường đang phấn đấu tới năm 2024 sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng cờ thi đua. Tin rằng ngày đó không còn xa…
NINH TUÂN