Chuyện chưa biết về những cảm tử quân đánh chiếm dinh Độc Lập

29/04/2016 18:28

Lịch sử đã ghi nhận hai chiếc xe tăng 390 và 843 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 là đơn vị đầu tiên vào dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975.


Nhưng chiến công của những chiến sĩ bộ binh, những cảm tử quân ngồi trên hai chiếc xe tăng làm nên lịch sử thì không phải ai cũng biết. 



Các cựu chiến binh Đại đội 6 về thăm lại dinh Độc Lập trong dịp kỷ niệm 40
năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước


Mỗi khi nhắc đến giây phút lịch sử trọng đại ngày 30-4-1975, người Hải Dương lại tự hào với tên tuổi của cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc), người chỉ huy chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập. Nhưng ít người biết, vào thời khắc ấy còn có những người con Hải Dương khác cũng có mặt trong dinh Độc Lập. 

Đường tới Sài Gòn


Họ chính là những chiến sĩ bộ binh của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Làm tròn nhiệm vụ với đất nước, họ trở về với mảnh vườn, thửa ruộng vui cảnh điền viên. Khi những bức ảnh của nữ nhà báo Pháp Phrăng-xoa đờ Muy-dơ được công bố, lịch sử thừa nhận thì những nhân vật trong ảnh năm xưa đã lên ông lên bà, mái tóc điểm bạc. Nhìn những bức ảnh được đăng trên báo, họ giật mình nhận ra mình của thời trai trẻ, họ điểm mặt, gọi tên từng đồng đội. Trong họ những thời khắc lịch sử hào hùng năm nào vẫn sục sôi như mới hôm qua.

Cựu chiến binh Đại đội 6 Lê Văn Minh ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) bồi hồi nhớ lại: 17 giờ ngày 26-4-1975, đơn vị tấn công tiêu diệt Trường Sĩ quan Thiết giáp ngụy tại căn cứ Nước Trong thuộc Long Thành (Đồng Nai), phá hủy nhiều xe tăng, xe thiết giáp địch. Buổi tối 28-4-1975, Đại đội 6 nhận lệnh luồn sâu vào ngã ba Thái Lan thuộc Long Thành lập trận địa. Tại đây quân ta tổ chức các trận đánh dữ dội tiêu diệt tuyến phòng ngự trước cửa ngõ Sài Gòn của địch từ cầu Nước Trong- ngã ba Thái Lan- cầu sông Buông. Với việc đánh tập hậu từ phía sau, chia cắt đội hình quân ngụy, Đại đội 6 đã làm cho xe tăng và bộ binh địch không phối hợp được với nhau, phải bỏ chạy.

Nhớ lại trận đánh khốc liệt trước cửa ngõ Sài Gòn, có những lúc hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” này, cựu chiến binh Đoàn Văn Nguyễn (nay ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) kể: “Hôm đó, đơn vị chúng tôi bí mật luồn sâu tới ngã ba Thái Lan thì lọt vào giữa đội hình bộ binh và xe tăng địch. Trời mờ sáng, những chiếc xe tăng địch nằm ngụy trang dưới mặt đất bất thần chồm lên quây lấy chúng tôi. Không còn đường thoát, chúng tôi bị xe tăng địch quây tròn và chà xát hòng nghiến nát những chiến sĩ Việt cộng gan cóc tía và không may mắn này. May thay, chúng tôi chớp nhoáng phát hiện địa hình và kịp nằm dưới các rãnh của luống mía, tựa như những giao thông hào. Thấy một chiếc xe tăng hùng hổ trườn đến trước mặt, tôi dùng B40 bắn một quả đánh bay tháp pháo của nó. Chiếc xe tăng liền bỏ chạy. Những chiếc xe tăng khác của địch thấy xe chỉ huy chạy cũng chạy theo”.

Khi địch bỏ chạy, Đại đội 6 truy kích đến cầu sông Buông lập trận địa phòng ngự. 13 giờ ngày 29-4-1975, một mũi xe tăng thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 do Tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Nhỡ chỉ huy tiến đến yêu cầu phối hợp chiến đấu. Đại đội 6 phân công một số chiến sĩ vượt cầu làm nhiệm vụ cảnh giới, số còn lại cùng lực lượng công binh làm đường cho xe tăng vượt qua vì trước khi bỏ chạy địch đã nổ bộc phá đánh sập cầu.

Đến cuối chiều, Đại đội 6 nhận được điện của chỉ huy giao nhiệm vụ cho đơn vị phối hợp với mũi xe tăng của Lữ đoàn 203 chiến đấu đánh thẳng vào dinh Độc Lập. Các chiến sĩ bộ binh Đại đội 6 tức tốc leo lên xe tăng nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến. Với sự phối hợp của bộ binh và xe tăng, quân ta lần lượt đánh tan các chốt chặn của địch trên đường đi và tại cầu sông Đồng Nai.

Thời khắc lịch sử


Mờ sáng 30-4, mũi tấn công thọc sâu của quân ta vượt sông Đồng Nai tiến vào xa lộ Đại Hàn. Dọc đường địch chỉ chống cự yếu ớt. Đến cầu Thị Nghè thì xe tăng, bộ binh, tàu chiến địch dàn trận bắn xối xả về phía quân ta. Một số xe tăng của ta bị cháy. Tiểu đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 203 Ngô Quang Nhỡ mở nắp xe tăng chỉ huy, bị địch bắn trúng trán hy sinh tại chỗ. Các chiến sĩ Đại đội 6 nhảy xuống xe nổ súng đánh trả địch nhưng hy sinh rất nhiều. Cuối cùng quân ta cũng tiến được qua cầu vào Sài Gòn.

10 giờ 30 ngày 30-4, mũi thọc sâu của Đại đội 6 chỉ còn 15 tay súng ngồi trên nóc hai chiếc xe tăng 843 và 390 do Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Trung úy, Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy hướng thẳng về dinh Độc Lập.

Đến 10 giờ 45, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào dinh Độc Lập, bị mắc kẹt ở cổng phụ. Thấy vậy, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy chiếc xe tăng mang số hiệu 390 ra lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập húc tung cánh cổng chính, tiến thẳng vào sân dinh. Các tay súng bộ binh Đại đội 6 nhanh chóng nhảy xuống xe thu gom tù binh và cảnh giới sẵn sàng chiến đấu.

Nhớ lại thời khắc đầu tiên chiếm dinh Độc Lập, cựu chiến binh Chử Đức Hải (cùng ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) kể: Xe tăng 390 húc mạnh khiến cánh cửa dinh mở bung. Khẩu 12,7 ly đặt trên tháp xe tăng vướng vào xà ngang cổng văng xuống đất. Trong sân vài chục lính ngụy đã hạ vũ khí chờ đầu hàng. Gần đó một nữ nhà báo nước ngoài đang hướng về phía những người lính Việt cộng chụp hình. “Từ trên nóc xe với súng AK đã lên đạn, tôi cùng các chiến sĩ Trần Đức Tình, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Sản, Trần Mạnh Đề, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Xuân Tưởng… nhảy xuống triển khai đội hình chiến đấu. Do sơ suất, ngón tay tôi siết vào cò súng, một loạt đạn nổ vang. Đám lính ngụy thụp người xuống hét to: “Xin các ông đừng bắn, chúng tôi đã đầu hàng rồi”. Tôi trấn an: “Chúng tôi không bắn. Đó chỉ là súng bị cướp cò thôi”. Sau đó chúng tôi được lệnh của chỉ huy thu vũ khí và gom toàn bộ số lính ngụy đưa vào góc sân dinh”.



Các chiến sĩ Đại đội 6 thực hiện nhiệm vụ thu gom tù binh trong dinh Độc Lập trưa 30-4-1975
Ảnh tư liệu


Là y tá của đơn vị, trên đường cùng đơn vị xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, chiến sĩ Lê Văn Minh vừa phải chiến đấu vừa làm nhiệm vụ cấp cứu cho các chiến sĩ bị thương. Ông kể, lúc ta tiến gần đến dinh Độc Lập thì một chiếc xe tăng bị trúng đạn xuyên giáp của địch. Thấy hai chiến sĩ bị thương, ông dừng lại sơ cứu và giao cho các đồng đội chăm sóc rồi cầm súng chạy về dinh Độc Lập. Tới nơi thấy cổng chính đã mở bung, xe tăng 390 vẫn nổ máy còn xe tăng 843 kẹt ở cổng phụ. Trong sân các chiến sĩ Đại đội 6 đang thu vũ khí và gom tù binh. “Lúc đó ta chưa cắm cờ nên tôi lấy lá cờ của anh Đức, Tiểu đội phó A5 đưa cho 3 đồng chí Bùi Huy Linh, Trần Đức Tình, Nguyễn Dũng Cảm bảo chạy lên cắm. Không may anh Cảm cầm cờ chạy trước húc đầu vào cửa kính trong suốt gục ngã. Tôi nhanh chóng chạy lại đưa anh Cảm ra gốc cây trong khuôn viên dinh sơ cứu. Thấy đồng chí Bùi Quang Thận cầm lá cờ giải phóng chạy sâu vào bên trong, hai chiến sĩ Trần Văn Tình và Bùi Huy Linh liền lao theo. Tới sân thượng chỗ cột cờ, chiến sĩ Tình liền dùng dao găm cắt mối buộc lá cờ ba sọc để Bùi Quang Thận hạ xuống, thay lá cờ giải phóng kéo lên: Đó là thời khắc lịch sử lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Chỉ ở trong dinh khoảng 2 tiếng, đến 13 giờ 30 ngày 30-4, đội hình mũi tiến công đột kích gồm xe tăng và bộ binh của chúng tôi lại nhận nhiệm vụ ra đánh chiếm, bảo vệ Tân Cảng”.

Chiến trận đã lùi xa, các cựu chiến binh Đại đội 6 năm nào giờ chỉ mong lịch sử ghi nhận chi tiết hơn cống hiến của những người lính bộ binh cảm tử trong thời khắc lịch sử của đất nước.

HOÀNG KIM ĐÁNG - NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Chuyện chưa biết về những cảm tử quân đánh chiếm dinh Độc Lập