Tờ lịch cuối cùng thường gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho các nhà thơ bởi đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Lịch là phát minh vĩ đại của con người để đếm thời gian, biết tháng ngày đang trôi đi ra sao.
Tờ lịch cuối cùng thường gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho các nhà thơ bởi đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Lịch là phát minh vĩ đại của con người để đếm thời gian, biết tháng ngày đang trôi đi ra sao. Độ dài ngắn của một đời người nhờ đó cũng được nhận biết một cách rõ ràng, có sự so sánh giữa các khoảng thời gian khác nhau. Tờ lịch cuối cùng trong lốc lịch là dấu mốc một năm dương lịch vừa qua đi, một năm mới đang tới. Tại thời điểm ấy, trong lòng mỗi con người bình thường ít nhiều đã có những bâng khuâng. Với những nhà thơ vốn giàu xúc cảm, tờ lịch cuối cùng lại càng gợi cho họ nhiều suy nghĩ về cuộc đời, nhân tình thế thái và những quy luật của thời gian. Bài thơ “Tờ lịch cuối cùng” của nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng nằm trong mạch nguồn xúc cảm ấy.
Tràn ngập trong bài thơ là những ngẫm nghĩ về bước đi của thời gian gắn với cách đếm truyền thống của nhân loại là dùng lịch treo trên tường, loại lịch mỗi ngày bóc đi một tờ để thấy ngày tháng vơi dần theo độ dày cuốn lịch. Thời gian vì thế dường như vừa vô hình mà lại cũng rất hữu hình: “Bao nhiêu ngày tháng rụng rơi”. Hình ảnh ngày tháng rụng rơi tương ứng với những tờ lịch được xé đi mỗi ngày, vừa sinh động vừa xa xót, tiếc nuối. Song dù có tiếc thời gian đến mấy thì nhà thơ cũng thấu hiểu quy luật tự nhiên: “Không ai níu giữ được thời gian đi”. Nếu như câu thơ trước có chút gì như đau đớn thì đến câu thơ này, cảm xúc đã chuyển sang sự ngậm ngùi, chấp nhận quy luật thời gian đã qua đi thì không bao giờ trở lại nữa, đồng nghĩa việc đi qua thời gian, cuộc đời mỗi con người ngày một ngắn lại. Biết như vậy nhưng đứng trước dấu mốc của một năm, nhà thơ không khỏi băn khoăn, ngập ngừng. Tờ lịch cuối cùng trong quyển lịch không giống những tờ lịch trước đó. Ngày cuối cùng của một năm thường là thời điểm người ta suy nghĩ về những gì đã xảy ra, nhiều điều làm được, những dự định chưa thành trong năm cũ và kế hoạch cho năm mới đang gõ cửa ngoài kia. Vì vậy khi đứng trước tờ lịch cuối cùng ấy, nhà thơ “Để nguyên không được, bỏ đi chẳng đành”. Lịch thì phải xé cũng như thời gian cứ thế trôi qua, không thể níu giữ được nhưng tại sao lại “chẳng đành” trước tờ lịch cuối cùng? Ấy là bởi nhà thơ băn khoăn “Những gì xưa cũ đang nằm ở đâu?”. Thì ra ông không nỡ bóc tờ lịch cuối cùng bởi không muốn thấy hiện thân của năm cũ hoàn toàn biến mất. Muốn níu giữ lại tờ lịch cuối giống như níu giữ những dấu ấn, kỷ niệm của “những gì xưa cũ” trong năm vừa trôi qua.
Nhưng dù có muốn níu giữ đến mấy thì không ai có thể chống lại được quy luật tự nhiên. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi, không đếm xỉa đến cảm xúc của con người nên dù có băn khoăn về những gì xưa cũ, nhà thơ vẫn phải lật tờ lịch mới, bắt đầu một năm mới: “Giở tờ lịch mới bắt đầu/ Dù cho năm tháng đổi màu trò chơi”. Thời gian trôi qua luôn gắn liền với những đổi thay, có sự phát triển, có sự lụi tàn, những điều mới mẻ tốt đẹp lại có cả những thứ chưa thực sự hoàn hảo. Song dù thế nào thì thời gian trôi cũng khiến đời người dần ngắn lại, quỹ thời gian ngày một hạn hẹp đi, đồng nghĩa với cơ hội làm những điều chúng ta mong muốn ngày một ít dần. Ý thức sâu sắc về điều đó, nhà thơ kết bài thơ bằng hai câu cảm thán nhẹ nhàng: “Tháng ngày vẫn cứ rụng rơi/ Đố ai đếm ngược cuộc đời được đây?”. Nó như tiếng thở dài trước quy luật tự nhiên trong sự an nhiên chấp nhận bởi thấu hiểu rằng không thể nào khác được. Tiếng thở dài ấy cũng là lời nhắc nhở con người rằng thời gian không thể quay ngược được, không thể lấy lại được nên chúng ta cần trân trọng từng phút giây mình đang sống, cân nhắc về những việc mình làm.
Trước thềm năm mới, đọc bài thơ “Tờ lịch cuối cùng” của nhà thơ Đặng Vương Hưng để thấm thía hơn những quy luật tưởng chừng đơn giản, nghiễm nhiên ai cũng biết nhưng không phải ai cũng ghi nhớ rồi trân trọng thời gian, nâng niu cuộc sống. Những xúc cảm, suy nghĩ trong bài thơ không mới nhưng vẫn đem lại những bâng khuâng đầy ý nghĩa nhân văn trong lòng độc giả.
SONG KHUÊ
Tờ lịch cuối cùng Bao nhiêu ngày tháng rụng rơiChẳng ai níu giữ được thời gian đi Sáng nay một thoáng vân vi Để nguyên không được, bỏ đi chẳng đành Chỉ là tờ giấy mỏng manh Giơ tay bóc hết là thành... một năm Thế là Tết sẽ hỏi thăm Những gì xưa cũ đang nằm ở đâu? Giở tờ lịch mới bắt đầu Dù cho năm tháng đổi màu trò chơi Tháng ngày vẫn cứ rụng rơi Đố ai đếm ngược cuộc đời được đây? ĐẶNG VƯƠNG HƯNG |