Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 25.8, tại Nhà hát Hồ Gươm, 40 - 40A Hàng Bài, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Phương; các Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Tạ Minh Tâm, Quốc Hưng; các ca sỹ Anh Thơ, Trọng Tấn, Diệu Thảo; nghệ sỹ cello Hà Miên… và Dàn nhạc Dân tộc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Big band - Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Nhạc sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết, chương trình “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” được chia làm 3 phần với những điểm nhấn quan trọng. Phần 1 có tiêu đề: “Sóng đàn Thăng Long” tôn vinh các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc và ca khúc mang âm hưởng dân ca - thể hiện tính kế thừa truyền thống, phản ánh một phần bức tranh của âm nhạc Việt Nam thời kỳ trước, làm nền tảng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Phần 2 có tiêu đề: “Kể chuyện sông Hồng” gồm những tác phẩm viết theo phong cách thính phòng cổ điển cho thấy sự hội nhập và phát triển của âm nhạc trong việc tiếp thu tinh hoa của âm nhạc thế giới một cách có chọn lọc, để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phần 3 với tiêu đề: “Những giai điệu mãi xanh” là những tác phẩm đi cùng năm tháng, gắn liền với nhiều sự kiện, lịch sử của đất nước như một cuốn biên niên sử bằng âm thanh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người với con người và thiên nhiên tươi đẹp.
Chương trình được phát trên các nền tảng trực tuyến như fanpage hoinhacsi.vn; MUCA của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và phát lại trên các Đài Truyền hình của Trung ương, địa phương...
Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay được Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức như: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp, Cà Mau, Đắk Lắk…
Ý tưởng tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam được bắt nguồn từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca “Kết đoàn”, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ 3 tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội) vào ngày 3/9/1960. Sự kiện trọng đại ấy được ghi lại qua bức ảnh nghệ thuật “Bác bắt nhịp Bài ca Kết đoàn” của Nghệ sỹ Lâm Hồng Long, phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Bức ảnh này được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Ngày 26.9.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg lấy ngày 3.9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam, nhằm động viên đội ngũ văn, nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Ngày Âm nhạc Việt Nam trải qua những mùa hội với nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt, các hoạt động biểu diễn, giao lưu diễn ra rộng khắp trên cả nước, trở thành niềm tự hào của giới nhạc sỹ, nghệ sỹ, những người làm công tác âm nhạc trong cả nước và văn nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài.
Theo TTXVN