Chuỗi sản xuất tập đoàn Mỹ chọn Việt Nam, hàng tỷ USD đổ về

20/09/2020 09:45

Nhiều quốc gia chạy đua đón dòng vốn đầu tư FDI mới, Việt Nam đang vươn lên là một trong những địa điểm đầu tư tiềm năng.

Loạt tập đoàn gia tăng hiện diện ở Việt Nam

Sau khi Apple triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam, nhiều tập đoàn khác đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư. Foxconn, Luxshare - nằm trong số những nhà cung ứng của Apple đang gia tăng hoạt động đầu tư ở Bắc Giang. Các tập đoàn như Foxconn dự kiến chi hàng tỷ USD để sản xuất đơn hàng của Apple và Cisco Hoa Kỳ.

Không dừng lại ở đó, hiện Tập đoàn Pegatron cũng là một nhà cung ứng linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu cho các ông lớn về công nghệ trên thế giới như Microsoft, Apple, Sony... Tại Việt Nam, Pegatron đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng tổ hợp công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, gồm:

Dự án Pegatron Việt Nam 1 vốn, đầu tư 19 triệu USD được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp phép đầu tư hồi tháng 3.2020; Dự án Pegatron Việt Nam 2, vốn đầu tư 148 triệu USD đang thực hiện thủ tục đầu tư; Dự án Pegatron Việt Nam 3, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, dự kiến triển khai giai đoạn 2026-2027.

Chuỗi sản xuất tập đoàn Mỹ chọn Việt Nam, hàng tỷ USD đổ về
Các nhà cung ứng của Apple ở Việt Nam đang gia tăng hoạt động sản xuất

Để thực hiện các dự án đầu tư nêu trên, Tập đoàn Pegatron đang nộp hồ sơ tại Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, đề xuất đầu tư dự án Pegatron Việt Nam 2 tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ để sản xuất các thiết bị điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử và bảng mạch.

Dự án này đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Các sản phẩm từ nhà máy của Pegatron tại Hải Phòng sẽ cung cấp linh kiện đầu vào cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple...

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng đang tìm hiểu, so sánh về môi trường đầu tư kinh doanh tại các quốc gia trong khu vực. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... cũng đang “thả mồi câu” để thu hút các “ông lớn” vào đầu tư.

Chọn lọc FDI, không thu hút bằng mọi giá

Có thể thấy, định hướng thu hút FDI của Việt Nam lần này là khá rõ ràng và những hành động sau đó cũng bám sát tôn chỉ đề ra từ đầu. Đó là ưu tiên các tập đoàn lớn, có công nghệ hiện đại và có chuỗi cung ứng lớn.

Do vậy, nếu không có cơ chế sàng lọc kỹ càng, Việt Nam có thể bị biến thành điểm tập kết của những dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng thấp, thậm chí cả dòng vốn FDI đến Việt Nam để "né thuế" trước các biến động thương mại quốc tế.

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong chính sách, những mặt trái, hệ luỵ của thu hút đầu tư FDI... gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng môi trường.

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Đó cũng chính là sự “bất bình đẳng” trong kinh doanh, khiến doanh nghiệp “nội” ngày càng thất thế so với những doanh nghiệp FDI trong cùng ngành nghề, trên chính “sân nhà”.

Trong cuộc tọa đàm về thu hút FDI hồi tháng 6, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse, kể “kinh nghiệm xương máu” của chính mình về lựa chọn đối tác nước ngoài.

Thời gian trước, Sunhouse có hợp tác với một công ty Hàn Quốc để đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng Sunhouse chỉ nắm 49% cổ phần bởi lãnh đạo công ty này cho rằng “bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác”.

Tuy nhiên, niềm tin ấy đã được ông Phú thừa nhận là “đặt sai chỗ”. Thời gian hợp tác cho thấy đối tác này không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngân hàng từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, ông Phú phải mua lại toàn bộ vốn của đối tác để tự mình triển khai dự án.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi muốn hợp tác với một doanh nghiệp Việt khác làm mạch điện thoại cho LG, đối tác kiểm tra và phát hiện ra rằng công suất máy trong dây chuyền mà ông Phú nhập từ đối tác Hàn Quốc quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất mạch.

Là lãnh đạo doanh nghiệp có kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, song ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse, cũng thừa nhận rằng “đó là bài học đau đớn”. Vì thế, khi nhìn tâm lý hồ hởi của không ít người về cơ hội thu hút FDI lãnh đạo Sunhouse luôn khuyến cáo thận trọng. Bởi vì, nhà đầu tư nước ngoài “thật giả lẫn lộn”.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuỗi sản xuất tập đoàn Mỹ chọn Việt Nam, hàng tỷ USD đổ về