Chung tay tiếp sức giúp công nhân an cư

25/09/2019 15:27

Phần lớn công nhân đang phải ở trọ với điều kiện sống thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động đến năng suất lao động.

Một gia đình công nhân ở trọ tại quận 6, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Việt Nam hiện có 400 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) với 3 triệu lao động làm việc. Các gia đình công nhân (CN) thuê nhà ở với diện tích dưới 10 m2, CN độc thân cũng chen chúc nhau 5-6 người/phòng trọ. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nhà ở cho CN hiện nay chỉ đáp ứng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn CN đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động đến năng suất lao động" - ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong thông tin như vậy tại hội thảo "Giải pháp an cư cho CN lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do báo Tiền phong tổ chức sáng 24.9, tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án nhà ở cho công nhân gặp khó

Hiện đã có 100 dự án nhà ở cho CN hoàn thành, quy mô khoảng 41.000 căn với tổng diện tích trên 2 triệu m2, bố trí cho 330.000 người. Thế nhưng, các dự án này chỉ đáp ứng 28% nhu cầu của CN.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) nói chung và nhà ở cho CN nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là về vốn. Nguyên nhân do gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc, ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước thì giai đoạn 2016-2020, cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định. "Hiện có tới 226 dự án NƠXH đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng NƠXH cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế" - ông Ninh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo các đại biểu, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển NƠXH. Hầu hết doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư NƠXH do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế. Một số địa phương có dự án nhà ở cho CN nhưng giá bán, cho thuê cao, cơ chế quản lý chặt chẽ, do đó chưa phù hợp với điều kiện thu nhập của CN. "Hầu hết các KCN tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động (NLĐ). Số lượng CN tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho NLĐ, nhất là vấn đề vốn và đất đai" - đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ.

Doanh nghiệp phải vào cuộc

Để CN được an cư, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, nhiều DN đã vào cuộc, xây nhà ở cho CN.

Giúp NLĐ an cư, lạc nghiệp là chủ trương của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trong nhiều năm qua. Ông Quách Cường, Phó Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op cho biết Saigon Co.op hiện có 2 chương trình hỗ trợ nhà ở cho NLĐ. Chương trình thứ nhất là hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc diện tích nhà ở quá nhỏ với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/người khi NLĐ mua nhà hoặc 2 triệu đồng/tháng (trong 10 năm liên tục) khi NLĐ thuê nhà. Chính sách này được triển khai từ năm 2015 đến nay, đã có 83 NLĐ Saigon Co.op được hỗ trợ mua hoặc thuê nhà với số tiền tương ứng là 16,2 tỷ đồng. Với chương trình thứ hai, Saigon Co.op triển khai dự án chung cư tại đường B3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh với diện tích 1.975,5 m2, quy mô 12 tầng với tổng số 99 căn hộ (diện tích từ 49,46 m2 đến 63,96 m2). Tổng số vốn đầu tư gần 114 tỷ đồng và dự kiến thời gian bàn giao nhà vào năm 2020.

Hiểu được khó khăn của NLĐ ngoại tỉnh, đồng thời tạo động lực giữ chân họ gắn bó lâu dài, từ năm 2007, Tổng Công ty CP Phong Phú đã đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú với tổng cộng 197 căn hộ, có diện tích từ 50 m2 đến 65 m2 để bán ưu đãi cho NLĐ với giá 9 triệu đồng/m2. CN mua nhà thanh toán trước 20% và nhận nhà, 80% còn lại tổng công ty đứng ra bảo lãnh vay ưu đãi ngân hàng cho CN trả dần từ 10 đến 15 năm tùy theo thu nhập. Đối với một số trường hợp CN không đủ tiền mua nhà theo chế độ ưu đãi, tổng công ty hỗ trợ giải quyết cho thuê ở ổn định lâu dài với chi phí thấp.

Tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng, công nhân có thể mua nhà

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án "Đầu tư xây dựng Thiết chế Công đoàn (CĐ) tại các KCX-KCN" với mục tiêu từ năm 2018 đến năm 2020 đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn (CĐ), đến năm 2030 phấn đấu tất cả KCX-KCN trên cả nước đều có thiết chế CĐ. Thiết chế CĐ sẽ mang lại lợi ích về nhà ở, giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con CN, có siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho CN làm việc tại các KCX-KCN.

Theo tính toán, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 - 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng CN mỗi tháng tiết kiệm từ 1,8 đến 2 triệu đồng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2.

Ông PHAN VĂN ANH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay tiếp sức giúp công nhân an cư