Những thông tin về các vụ giết người cướp của gần đây khiến dư luận rất bức xúc và lo lắng, nhất là thủ phạm còn trẻ tuổi đã có những hành vi rất tàn độc.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ trọng án trên thì không phải đến bây giờ nhiều người mới biết, cho nên sẽ không cần thiết phải nhắc lại mà quan trọng hơn là cần làm thế nào để phòng ngừa, hạn chế, đẩy lùi tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ thực tiễn diễn ra có thể thấy sức mạnh bảo đảm cho sự bình yên cuộc sống là vấn đề đạo đức và pháp luật, trong đó giáo dục đạo đức là cái gốc. Từ hơn nửa thế kỷ qua, nước ta đã có nền giáo dục mới. Hầu hết con em chúng ta đến tuổi đi học là được đến trường. Nhưng không phải cứ đến trường là đã có giáo dục, mà còn phải xem việc dạy thế nào, học thế nào, có theo được bốn trụ cột do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến cáo không. Đó là "học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người". Hơn nữa giáo dục không chỉ ở trường, ở lớp mà còn ở gia đình và xã hội mà lâu nay ta vẫn nói là "ba môi trường giáo dục". Cần xem lại ba môi trường đó đã giáo dục như thế nào và mối quan hệ ra sao. Trước hết là ở trường. Nếu liên hệ với 4 "trụ cột" trên thì thấy lâu nay nhà trường mới chỉ làm và chú trọng làm được việc "học để biết", nghĩa là chỉ coi trọng việc học chữ, học văn hoá để lên lớp, để đi thi. Còn các "trụ cột" khác thì rất hạn chế. Nhà trường có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", nhưng xem ra lễ không được coi trọng đúng mức, vì ngoài nội dung chương trình giáo dục đạo đức chưa thoả đáng thì vẫn còn có những thầy cô chưa phải là "tấm gương sáng" cho học sinh noi theo. Song, dù còn đi học nhưng thời gian trong ngày trẻ em vẫn sống ở gia đình nhiều hơn cả và gia đình luôn giữ vai trò quan trọng hình thành và phát triển nhân cách của con cái. Vì thế, cha mẹ và những người thân trong nhà mới là "tấm gương" cho chúng noi theo nhiều hơn. Một gia đình mà ông bà, cha mẹ mẫu mực thì con cháu sẽ thảo hiền, ngược lại, một gia đình thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, không hoà thuận, rượu chè, cờ bạc, ly tán... thì sẽ là mảnh đất cho kẻ xấu lôi kéo con em vào tội lỗi. Nhưng dù có thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường đến đâu mà không có sự quản lý xã hội chặt chẽ thì vẫn còn kẽ hở phát sinh tội phạm. Việc phổ biến và thực thi pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập. Không ít trường hợp vi phạm vì không hiểu luật, nhưng cũng không ít trường hợp biết luật vẫn vi phạm luật mà không bị xử trí nghiêm minh hoặc bỏ qua, dẫn tới bệnh "nhờn luật". Ngày trước "con dại, cái mang", chiểu theo lệ làng phép nước mà xử, bắt khoán cha mẹ. Bây giờ, con đi cải tạo, cha mẹ vẫn ung dung tự tại, có của càng thăm nuôi nhiều, cưng chiều như thế khiến nhiều đứa tái phạm, ra vào trại như cơm bữa! Không quy kết trách nhiệm cha mẹ với trẻ vị thành niên khi phạm tội, không huy động được sức mạnh hệ thống chính trị và cộng đồng vào việc phòng ngừa tội phạm là một nguyên nhân quan trọng khiến tội phạm cứ hoành hành.
Chỉ điểm qua môi trường giáo dục đạo đức và thực thi pháp luật cũng có thể phần nào lý giải được nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn đến tình hình tội phạm ngày càng phát sinh. Vấn đề chung tay phòng ngừa tội phạm không thể chỉ là khẩu hiệu chung chung mà là trách nhiệm và lương tâm, hành động cụ thể của tất cả mọi người từ trong nhà trường, gia đình đến toàn xã hội, các cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương khi đã nhận rõ nguyên nhân và hậu quả. Chỉ có như vậy mới tạo nên sự bình yên, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
NGUYỄN THẾ(CLB Nhà báo cao tuổi tỉnh)