Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là tuyên truyền kiến thức về phòng chống bạo lực học đường.
Tiết mục sân khấu hóa tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường của học sinh Trường Tiểu học Quang Khải (Tứ Kỳ)
Giữa tháng 4 vừa qua, tại Trường Tiểu học Quang Khải (Tứ Kỳ), Huyện đoàn Tứ Kỳ tổ chức mô hình điểm chuyên đề "Phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em” với sự tham gia của 120 học sinh. Tại chương trình, học sinh trong trường được tiếp cận với các kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường thông qua hình thức sân khấu hóa. Các tiểu phẩm được chính học sinh và giáo viên trong trường thể hiện một cách giản dị giúp các em dễ hiểu. Các em còn được Trưởng Công an xã Quang Khải tuyên truyền, chỉ ra trách nhiệm của học sinh cũng như hậu quả để lại trong bạo lực học đường. Em Phạm Nhật Minh, lớp 4B Trường Tiểu học Quang Khải cho biết: "Em và các bạn hiểu rõ hơn, biết kỹ năng giao tiếp với người lạ, tự bảo vệ bản thân khi xảy ra nguy hiểm, đồng thời hiểu được trách nhiệm trong phòng chống bạo lực ở trường học".
Từ mô hình điểm tại Trường Tiểu học Quang Khải, trong tháng 4, Huyện đoàn Tứ Kỳ chỉ đạo tất cả liên đội các trường tiểu học, THCS trong huyện đồng loạt triển khai chuyên đề này.
Từ năm học 2018-2019, Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) đã triển khai và duy trì mô hình "Bạn giúp bạn". Đầu năm học, chi đội trong trường đăng ký thành lập những đôi bạn cùng tiến. Trước mỗi buổi học, những đôi bạn thường đến trường sớm để cùng nhau giải bài tập, ôn lại bài cũ, tìm hiểu bài mới, đồng thời sau mỗi giờ tan học trao đổi lại kiến thức thầy cô giáo đã giảng dạy trên lớp. Mô hình này không chỉ giúp các em tiến bộ trong học tập mà còn xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TP Hải Dương Lê Thị Ngân Hà, không chỉ có liên đội các trường học, các cấp bộ đoàn cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường. Hằng năm, Thành đoàn phối hợp tổ chức ít nhất 1 buổi diễn đàn, nói chuyện chuyên đề phòng chống bạo lực học đường. "Mỗi cán bộ đoàn sẽ đóng vai trò là cầu nối, tuyên truyền viên tích cực, cung cấp kiến thức về phòng chống bạo lực học đường. Các cơ sở đoàn đã lồng ghép tuyên truyền vấn đề này thông qua buổi tập huấn cho cán bộ Đoàn, Đội", chị Hà nói.
Xác định phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, Hội đồng Đội huyện Thanh Miện đã chỉ đạo liên đội các trường làm tốt công tác tuyên truyền về vấn đề này. 3 năm gần đây, liên đội các trường phối hợp tổ chức 20 buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ. "Ngoài tuyên truyền, các thầy cô giáo phụ trách liên đội, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên trò chuyện, phát hiện tâm lý bất thường để có biện pháp xử lý...", chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Bí thư Huyện đoàn Thanh Miện cho biết.
Để đa dạng hóa việc tuyên truyền, Liên đội các trường còn sử dụng phương tiện thông tin trực quan hoặc thông qua hoạt động của đội tuyên truyền măng non...
Được biết, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn quan tâm, chủ động tuyên truyền kiến thức về phòng chống bạo lực học đường. Theo Ban Thanh thiếu nhi-trường học (Tỉnh đoàn), hằng năm, liên đội các trường học đều phối hợp tuyên truyền thông qua các giờ học ngoại khóa hoặc các buổi sinh hoạt. Được biết, dịp hè năm nay, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tập huấn cho các cán bộ Đoàn, Đội trong tỉnh về sinh hoạt hè. Những nội dung về phòng chống bạo lực học đường cũng được lồng ghép trong các buổi tập huấn.
Tuy vậy gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tình cảm của học sinh. Do đó, việc trang bị kiến thức phòng chống bạo lực học đường không chỉ từ phía các cấp bộ đoàn, mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và mỗi gia đình.
Theo chị Nguyễn Thị Trang, Trường Ban Thanh thiếu nhi-trường học, hiện nay, nhiều gia đình còn thờ ơ trong phối hợp với nhà trường để tuyên truyền vấn đề này. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con mỗi ngày để nắm bắt diễn biến tâm lý và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
PV