Thời gian qua, cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ một phần nhờ vào các dự án hỗ trợ chăm sóc và điều trị căn bệnh này.
Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành
Năm 2011, toàn tỉnh có 288 người nhiễm HIV. Con số này giảm dần theo mỗi năm, trong 10 tháng đầu năm 2014, chỉ phát hiện thêm 100 người. Để đạt kết quả này ngoài sự nỗ lực của các trung tâm y tế, có sự hỗ trợ tích cực của dự án "Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam". Dự án được thực hiện từ năm 2004 gồm các hoạt động tư vấn, xét nghiệm miễn phí đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình tiếp cận cộng đồng, phát bao cao su, bơm kim tiêm cho những nhóm người nghiện, chích ma túy, tuyên truyền cách phòng, chống lây nhiễm. Từ năm 2010 đến nay, Hải Dương triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 4 điểm gồm: Kinh Môn, Kim Thành, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương cũng góp phần ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy. Hiện tại, dự án còn hỗ trợ thuốc kháng HIV miễn phí cho 1.200 bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, dự án "Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" hỗ trợ cho TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn mỗi nơi một phòng tư vấn cách phòng, chống lây nhiễm HIV, xét nghiệm tự nguyện. Kim Thành, Kinh Môn là hai điểm nóng về HIV/AIDS được hỗ trợ tích cực từ các dự án, đến nay đã giảm rõ rệt số người bị nhiễm HIV. Từ đầu năm đến nay huyện Kim Thành có thêm 8 người bị nhiễm HIV, Kinh Môn 10 người. Trước đây có năm các huyện này phát hiện thêm từ 30-40 người nhiễm HIV.
Năm 2005, Hải Dương là một trong 10 tỉnh có số người nhiễm HIV/AIDS nhiều nhất trên toàn quốc, nhưng đến nay đã giảm xuống ở hàng thứ 20. Tỉnh ta hiện có 850 bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, 1.328 người điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có 8 trẻ đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng HIV ngày càng được mở rộng và đạt kết quả cao, giảm tử vong và cải thiện chất lượng sống của người nhiễm HIV.
Cần duy trì các chương trình hỗ trợ
Đến năm 2015, các dự án hỗ trợ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đều kết thúc. Nhiều người có nhu cầu khám, điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS không được thanh toán bảo hiểm, chỉ có thể thanh toán ở bệnh viện. Nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ trước đến nay chủ yếu do các tổ chức phi chính phủ tài trợ và Trung ương cấp. Năm 2014, nguồn kinh phí này bị cắt giảm 75%, trong khi kinh phí địa phương không được cấp bổ sung, dẫn đến nhiều hoạt động bị thu hẹp như ngừng cung cấp sữa ăn thay thế cho trẻ em sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV, giảm địa bàn hoạt động của chương trình can thiệp giảm tác hại… Tuy số người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta đã giảm rõ rệt nhưng vẫn chưa bền vững và diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn ở mức độ cao.
Nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng HIV/AIDS (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) tuyên truyền kiến
thức phòng, chống lây nhiễm HIV cho đối tượng tiêm chích ma túy ở TP Hải Dương. Ảnh: Mai Anh
MINH NGUYÊN