Các doanh nghiệp phải tự nhìn ra ưu, khuyết điểm, những lĩnh vực mà mình có thể phát triển được để xây dựng chiến lược kinh doanh mới thích ứng hơn.
Năm 2012 sắp qua đi với biết bao khó khăn, nhọc nhằn của các doanh nghiệp. Lướt mạng internet thấy ràn rạt bài viết mang nặng ưu tư, tìm lối thoát cho doanh nghiệp hoặc rất nhiều tin về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, giải thể...
Các khó khăn chính của doanh nghiệp vẫn là hàng tồn kho lớn vì sức tiêu thụ quá yếu, nợ lớn, lãi suất ngân hàng vẫn cao và khả năng hấp thụ vốn rất kém. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự tích tụ khó khăn từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Lạm phát cao dẫn tới lãi suất cao kéo dài quá lâu gây nên bất ổn vĩ mô kéo dài. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người dân đều khốn đốn. Bất ổn cao thì đầu tư khó, nhưng đầu cơ tăng lên. Tình trạng của mấy năm vừa rồi là như thế. Sức mua giảm thì hàng tồn kho tăng cao. Trong khi lãi suất cao đánh trúng “đầu vào” của doanh nghiệp, thì ách tắc ở khâu tiêu thụ đánh trúng “đầu ra”. Thị trường thế giới không sôi động, còn thị trường trong nước cực kỳ khó khăn. Doanh nghiệp bị khó cả hai đầu. Họ phải chiến đấu với tình trạng này nhiều năm rồi. Phải nói là doanh nghiệp Việt Nam cũng dai sức đấy, nhưng đến nay đã kiệt sức nhiều...
Nhận thức được tình hình khó khăn, trong năm 2012, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ nêu: Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Các địa phương, trong đó có Hải Dương đã tích cực triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Ngoài việc hỗ trợ nhà đầu tư trong giai đoạn trước và sau khi ban hành giấy phép đầu tư, trong thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian gặp gỡ, trao đổi để lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của nhà đầu tư. Coi trọng lợi ích của doanh nghiệp cũng chính là sự khẳng định cho tính bền vững trong chiến lược phát triển của tỉnh ta. Các ngành chức năng tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, xoá bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài.
Trong khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ từ cả cộng đồng. Dù thế, khó khăn vẫn còn nhiều. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp khó khăn nhất trong hơn 20 năm đổi mới.
Bàn về giải pháp khắc phục khó khăn, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp phải tự tổng kết, đánh giá, tự nhìn ra ưu, khuyết điểm, những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể phát triển được, những lĩnh vực cần dừng lại để xây dựng chiến lược kinh doanh mới thích ứng hơn. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, nâng cao năng lực dự đoán, dự báo để có thể điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Làm như vậy trước hết sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại được. Khi ổn định, vượt qua được khó khăn, doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển.
Về phía Nhà nước, cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tới tất cả các cấp, các ngành. Cần xác định tập trung cứu doanh nghiệp chính là cứu cho cả nền kinh tế. Các hệ lụy xã hội do tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt bao giờ cũng rất lớn và khó lường, nên ở góc độ quản lý, phải tìm ra các doanh nghiệp cần cứu để cứu. Hiện tại, liên quan đến vốn, có thể tạm chia các doanh nghiệp như sau: Loại thứ nhất nên tìm cách hỗ trợ thêm là đối tượng chủ yếu kinh doanh bằng nguồn vốn ít ỏi của mình, tự tìm thị trường. Từ lâu, họ đã không tìm tới ngân hàng để vay tiền với giá vốn quá cao. Số này không nhiều về số lượng và không lớn về quy mô. Tình trạng đình đốn hiện nay tác động đến họ không trực tiếp và quá lớn. Loại thứ hai chủ yếu kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng thì rất cần cứu các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển (cả hiện tại lẫn tương lai), vì nếu được cứu sẽ có lợi cho nền kinh tế, ngược lại không nên cứu các doanh nghiệp không có khả năng phát triển.
Khó khăn còn rất lớn và khối lượng công việc phải làm còn lớn hơn. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam nói chung và tái cấu trúc các doanh nghiệp ở Hải Dương nói riêng.
LÊ XUÂN HIỀN (Sở Kế hoạch và Đầu tư)