Trong khi các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 thì chứng khoán Việt lại liên tục tăng nóng, nhiều người coi đây là kênh kiếm tiền nhanh nhất lúc này.
Cơn "sốt" chứng khoán đang cuốn nhiều nhà đầu tư tham gia. Trong số đó, bên cạnh những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm thì không ít là "lính mới" (F0). Có những người sau một thời gian "cai" chơi cũng bất ngờ quay lại. Nguyên nhân chính là do chứng khoán tăng trưởng quá "nóng" trong thời gian gần đây.
Ùn ùn lên sàn để thành nhà đầu tư
Nhiều lần thua lỗ vì chứng khoán và đã dừng chơi lâu năm, anh Mạnh Hùng - một nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Hà Nội - cho biết, anh đang sở hữu một lượng cổ phiếu từ năm 2018. Thời điểm trước khi anh dừng đầu tư, thị trường sụt giảm, cổ phiếu của anh rớt thảm, nếu bán ra sẽ thua lỗ nặng. Vì vậy, anh quyết định không bán mà găm lại, chờ thị trường hồi phục. "Sau một thời gian khá dài, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chốt lời vì giá cổ phiếu của tôi đã tăng, bán ra sẽ có lãi". Thậm chí, anh Hùng còn quyết định đầu tư trở lại khi nhận thấy nhiều cổ phiếu tiềm năng và thị trường đang tăng như vũ bão. "Chứng khoán liên tục tăng và sắp chạm đỉnh lịch sử, ai giao dịch cổ phiếu thành công lúc này rất dễ sinh lời", anh Hùng tự tin nói.
Khác với anh Hùng, anh Trọng Hoàng ở Thanh Xuân, Hà Nội là một nhà đầu tư mới trên sàn chứng khoán. Anh Hoàng chia sẻ, dịch COVID-19 khiến anh phải làm việc ở nhà nhiều hơn, thậm chí có lúc buộc phải giãn việc do doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thời gian rảnh rỗi nhiều, anh tò mò tìm hiểu thị trường chứng khoán. Sau đó, anh bắt đầu lên sàn giao dịch, trở thành nhà đầu tư chứng khoán.
"Tháng 4 giãn cách xã hội do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động kinh tế bị đình trệ khiến cổ phiếu các doanh nghiệp rớt thảm. Riêng các công ty liên quan đến lĩnh vực y tế dường như miễn nhiễm. Nghĩ dịch bệnh còn kéo dài, tôi đã quyết định bỏ ra 100 triệu đồng để mua cổ phiếu của Tổng Công ty CP Y tế Danameco. Thời điểm tôi mua, giá cổ phiếu DNM chỉ có 24.600 đồng/cổ phiếu, đến lúc tôi bán ra giá cổ phiếu đã tăng lên 49.000 đồng/cổ phiếu, gấp gần 2 lần so với lúc mua vào", anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết thêm, giờ anh đã mạnh dạn đầu tư hơn vào cổ phiếu và coi đây như một kênh đầu tư chính để sinh lời.
COVID-19 khiến không ít cá nhân phải chuyển hướng đầu tư, từ ngó lơ chuyển sang sốt sắng quan tâm đến chứng khoán. Ngoài anh Hoàng, nhiều nhà đầu tư mới, không chuyên cũng bắt đầu xuống tiền theo xu hướng đi lên của thị trường. Nhiều người thú nhận, tuy ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng thấy thị trường sôi động quá nên cũng muốn thử vận may trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Giai đoạn này, các đợt "sóng" cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán… đều được nhà đầu tư tận dụng triệt để.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các công cụ hỗ trợ đầu tư mới xuất hiện trên thị trường, hàng loạt hội, nhóm nhà đầu tư và môi giới được thành lập càng khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 12.2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629 tài khoản, cao nhất kể từ trước tới nay.
Với việc tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng cao kỷ lục trong tháng cuối năm đã đưa số lượng tài khoản giao dịch lên gần 2,73 triệu tài khoản.
Cùng với nhà đầu tư cá nhân, số tài khoản chứng khoán mở mới của các tổ chức trong nước cũng tăng cao, với 168 tài khoản mở mới trong tháng 12, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản của tổ chức trong nước là 11.251 tài khoản.
Việc có thêm nhiều nhà đầu tư mới giúp thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức cao.
Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào thị trường
Chứng khoán dường như trở lại thời kỳ hoàng kim như giai đoạn 2006-2007 khi VN-Index lăm le vượt đỉnh 1.200 điểm hơn 10 năm trước. Thanh khoản cũng liên tục xác lập kỷ lục mới với hơn 20.000 tỷ đồng trong một phiên, tương đương gần 1 tỷ USD.
Có thể nói, chưa bao giờ có một lượng tiền lớn như vậy được giao dịch trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Đã có những mã cổ phiếu tăng giá gấp 3 lần so với thời điểm tháng 4.2020, thời điểm được coi là "đỉnh" dịch bệnh.
Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ về nhiều khiến không ít phiên giao dịch hệ thống bị quá tải. Tình trạng này không đến từ một thời điểm cố định trong phiên mà thường xảy ra khi dòng tiền vào thị trường quá lớn. Ngưỡng giao dịch 13.000-14.000 tỷ đồng trở thành cột mốc khiến nhiều người lo lắng, bởi khi thanh khoản đạt tới ngưỡng này, tình trạng "tắc" hệ thống giao dịch lại diễn ra.
Trong buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 diễn ra vào 4.1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng một phiên; trong đó, các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng một phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.
Trong những phiên giao dịch tuần đầu năm 2021, thị trường chứng khoán vẫn liên tục thăng hoa, dòng tiền đầu tư ồ ạt đã giúp chỉ số VN-Index bứt phá, cách đỉnh lịch sử 1.204 điểm không xa.
Cẩn trọng khi đầu tư
Trong khi nhà đầu tư FO ùn ùn đổ tiền vào thị trường thì nhiều nhà đầu tư chứng khoán lâu năm lại khuyến nghị đây không hẳn là thời điểm tốt để mua vào mà nên bán ra, giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống dưới 50%, thậm chí nên dưới 30%.
"Tôi đã đầu tư vào thị trường chứng khoán từ năm 2007, đã trải qua rất nhiều lần giai đoạn thị trường tăng mạnh, hưng phấn giống hiện nay và cũng không ít những lần thị trường sụt giảm đến căng thẳng, mệt mỏi cao độ. Ngay tại lúc này, ngưỡng kháng cự tâm lý 1200 là cực mạnh, chưa thể đoán định khả năng có vượt qua một cách hưng phấn như hiện nay không", anh Nguyễn Thịnh, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chia sẻ.
Anh Thịnh cho biết, anh nghĩ thị trường chứng khoán trong năm 2021 vẫn là xu hướng tăng, nhưng sẽ phải có giai đoạn điều chỉnh cần thiết để thị trường mới có thể tăng vững chắc hơn, vượt đỉnh mạnh mẽ hơn. Không ai có thể đoán được đâu là đỉnh, đâu là đáy, nếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng khoảng trên dưới 20 - 30%, nên bán ra, hiện thực hóa lợi nhuận của mình. Anh cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư mới F0 không nên tham gia ồ ạt vào thị trường trong giai đoạn này.
"Nếu bạn đang là người mới, bạn tạm thời khoan mua cổ phiếu trong ngưỡng gần 1200 này, sẽ là cực kỳ mạo hiểm. Là F0, chưa có kinh nghiệm, nên đi từng bước vào thị trường để tránh rủi ro. Ngoài ra với việc thị trường đang tăng nóng như hiện nay rất có thể phải mất vài năm nữa cổ phiếu mới đạt giá trị như hiện tại và không giống như các kênh đầu tư khác, khái niệm cắt lỗ gần như là không có", anh Thịnh khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường hiện đã bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Những nhịp điều chỉnh có thể xảy ra là tất yếu và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho những biến động lớn. Do vậy, cần tránh tình trạng mua đuổi, sử dụng tỉ trọng vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư quá lớn.
Tuy vậy, có không ít lời khuyên nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và mua cổ phiếu, ít nhất là trong ngắn hạn. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, việc thiếu vắng phiên điều chỉnh rõ nét trong các phiên cuối năm 2020 thể hiện sự bền bỉ trong xu hướng tăng điểm và mở ra cơ hội chinh phục đỉnh ngắn hạn mới.
Lời khuyên được đưa ra với nhà đầu tư là nên ưu tiên những cổ phiếu có tiềm năng. Còn những người mới bắt đầu tham gia thị trường thì nên chọn những mã nhỏ, ít sóng và thị giá "mềm" hơn để nghe ngóng xu hướng cũng như tiềm lực tài chính của mình.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong phiên giao dịch cuối năm 2020 khi VN-Index tạo đỉnh 1.103,87 điểm, mặc dù thanh khoản có phần hạ nhiệt nhưng việc dòng tiền quay trở lại các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán giúp thị trường có nhiều cơ hội để tiếp tục đi lên trong những phiên giao dịch sắp tới.
PHS đánh giá thị trường vẫn đang trong xu hướng phục hồi tích cực. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nhằm hưởng lợi từ đà đi lên của thị trường.
Mặc dù lạc quan như vậy song các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều người đang quan tâm đến chứng khoán cần thận trọng chú ý theo dõi các vùng kháng cự để có quyết định hợp lý. Chứng khoán cũng là kênh bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường thế giới và dòng vốn ngoại, vì vậy những nhà đầu tư mới cần quan sát nhiều hơn trong quá trình tham gia giao dịch, mang tâm lý cọ sát, thử nghiệm, dò hỏi là chính.
Phân tích của chuyên gia cũng chỉ ra rằng với một người chưa có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, kỳ vọng lợi suất 15% rất không khả thi. Thậm chí, đây còn là điều rất khó với cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với cổ phiếu, danh mục có thể tăng chừng đấy trong nửa năm đầu tiên và đứng giá suốt thời gian còn lại nên lợi suất đầu tư trung bình sẽ thấp hơn rất nhiều mức bạn kỳ vọng.
Nhiều chuyên gia kết luận cổ phiếu chắc chắn là kênh hấp dẫn cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, trong khi rất rủi ro cho những nhà đầu tư ngắn hạn. Bởi thế, nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia cần tính toán mọi kịch bản trước khi xuống tiền, ngay cả khi thị trường đang thăng hoa nhất.
Theo VTC