VN-Index kết thúc phiên đầu tiên của năm Canh Tý mất hơn 3,2%, lần gần nhất chỉ số giảm mạnh hơn mức này là tháng 11.2018.
Chốt phiên giao dịch ngày 30.1, VN-Index giảm hơn 3,2%, xuống dưới ngưỡng 960 điểm. Theo dữ liệu của FiinGroup, biên độ giảm trong phiên hôm nay là mức giảm theo phiên cao nhất kể từ tháng 11.2018. Kết quả này cũng khiến thị trường giảm về vùng giá cuối năm 2019, xóa hết thành quả tăng điểm trong tháng 1.2020.
VN30-Index chốt phiên cũng giảm gần 3,7%, còn 876 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chìm trong sắc đỏ.
Diễn biến tiêu cực của thị trường diễn ra ngay từ khi mở cửa, với biên độ giảm được nới rộng theo thời gian giao dịch. Càng về cuối phiên, chỉ số càng giảm sâu.
Bên bán nắm quyền chủ động, hạ giá quyết liệt, trong khi lực cầu vào thị trường không quá mạnh khiến các nhóm cổ phiếu dẫn dắt lùi sâu dưới tham chiếu. Các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường như hàng không, bán lẻ, ngân hàng đều giảm mạnh.
Đến cuối phiên, trên sàn HoSE, số cổ phiếu giảm gấp hơn ba lần số tăng, giữ tỷ lệ 274:80. Riêng nhóm cổ phiếu VN30, chỉ có 1 mã tăng giá, 2 cổ phiếu giữ tham chiếu, còn lại 27 cổ phiếu trong sắc đỏ.
VN-Index giảm mạnh phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Ảnh: VNDirect |
Trong nhóm cổ phiếu bluechip, MSN và SAB là hai cái tên có diễn biến tiêu cực nhất, bị kéo về gần mức giá sàn, cùng giảm trên 6%. BVH giảm 5,8%, VRE giảm 5,1%.
Nhóm ngân hàng, dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường trước kỳ nghỉ lễ, cũng giảm mạnh. TCB giảm 5,4%, MBB, STB, BID giảm trên 5%, CTG mất 4,9%, VCB sụt 4,8%. Hầu hết cổ phiếu "nóng" trong nhóm vốn hóa lớn đều chìm sâu dưới tham chiếu.
Sắc đỏ thậm chí còn lan rộng sang cả nhóm midcap và penny khiến nhiều cổ phiếu giảm gần chạm mức sàn. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt gần 5.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 20% so với trung bình trước kỳ nghỉ lễ.
Diễn biến của phiên hôm nay, theo giới phân tích, là sự cộng hưởng với đà giảm của thị trường quốc tế tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.
Các thị trường chủ chốt của châu Á trong phiên hôm nay tiếp tục đi xuống do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán có thể tác động đến kinh tế Trung Quốc, và rộng hơn là kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Nikkei 225 và Topix của thị trường Nhật Bản chốt phiên giảm lần lượt 1,72% và 1,48%. Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 2,6%. Kospi của Hàn Quốc giảm 1,71%.
Các chỉ số chính của thị trường Đài Loan đứng đầu khu vực với mức giảm xấp xỉ 6% do đà lao dốc của cổ phiếu các công ty sản xuất.
Theo VnExpress