Nước Việt Nam ta là một/Dân tộc Việt Nam ta là một/Dù cho sông cạn đá mòn/Nhân dân Nam - Bắc là con một nhà...
CHÚC TẾT QUÝ MÃO - 1963 Nước Việt Nam ta là một Dân tộc Việt Nam ta là một Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam - Bắc là con một nhà. Mừng năm mới, Cố gắng mới Tiến bộ mới, Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi! HỒ CHÍ MINH |
Vào ngày 25.1.1963, nhân dịp Xuân Quý Mão, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Lời chúc mừng năm mới, đăng trên báo Nhân Dân. Trong bức thư này có hai đoạn thơ được tách rời nhau nhưng đã làm nên hồn cốt của một bài thơ hoàn chỉnh về nội dung và hình thức nghệ thuật. Sau này nhiều nhà nghiên cứu xem đó là toàn bộ lời thơ chúc Tết Quý Mão 1963 của Bác.
Bài thơ có hai phần khá rõ rệt. Đoạn thơ đầu Bác nêu chân lý không có gì thay đổi, đó là đất nước Việt Nam ta từ xưa đến nay là một đất nước thống nhất và mãi mãi thống nhất. Đoạn thứ hai là lời chúc Tết Quý Mão một cách ngắn gọn, dễ hiểu với câu cảm cuối bài biểu đạt được tình cảm nồng ấm của Người dành cho đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Trong thư gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Quý Mão, Bác đã có những lời sẻ chia hết sức xúc động, đặc biệt là những cảm nghĩ về miền Nam ruột thịt: "Trong khi ở miền Bắc, chúng ta vui vẻ ăn Tết, lòng chúng ta vẫn luôn luôn bên cạnh đồng bào miền Nam đang đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta cần phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc - Nam mau được sum họp một nhà". Từ nỗi niềm xúc động đó, Bác dẫn ra mấy câu thơ Chúc Tết cũng đã từng là lời tâm huyết của Người: "Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn,/ Nhân dân Nam - Bắc là con một nhà".
Lời chúc Tết gửi đến đồng bào toàn quốc cũng chính là phần sâu lắng nhất mà Người dành để hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt. "Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta". Bằng những vần điệu nôm na được lấy ý từ văn học dân gian, Bác đã chuyển thành lời thơ tha thiết để gửi về miền Nam yêu quý. Bởi hơn lúc nào hết, đây là lúc miền Nam cần sự sẻ chia và cảm thông nhiều nhất, đồng thời phải cần những lời lẽ động viên để cho đồng bào đoàn kết lại thành một lực lượng không có kẻ thù hùng mạnh nào đánh được.
"Nước Việt Nam là một/ Dân tộc Việt Nam là một", đó là chân lý mà mấy chục triệu người dân nước Việt đang thầm giữ trong lòng mình. Chân lý đó trở thành niềm tin và lẽ sống, là khát vọng thiết tha của mọi người. Bằng phép lặp cấu trúc câu làm cho giọng thơ hùng hồn, hơi thơ mạnh mẽ đã làm nổi bật được khát vọng thiêng liêng nồng cháy của Bác cũng như của toàn dân tộc Việt Nam. Từ lẽ phải bất diệt ấy, Bác đã đi đến một khẳng định bất hủ, mềm mại như ca dao tục ngữ nhưng lại quyết liệt như lẽ sống mạch nguồn từ muôn thuở của cha ông: "Dù cho sông cạn đá mòn,/ Nhân dân Nam - Bắc là con một nhà".
Khổ đầu tiên có 4 câu thơ mà có đến ba chữ "một" được lặp lại, xác quyết chân lý không thể nào thay đổi mà Bác đã hằng ấp ủ từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tấm lòng Người, tư tưởng Người mãi mãi kiên định không bao giờ thay đổi. Tất cả mọi người dân nước Việt gắn với núi sông bờ cõi này là vĩnh viễn, là một thực thể không bao giờ chia cắt. Điệp từ kết hợp với lặp cấu trúc đã khẳng định chân lý bất biến ấy là không sai suyễn, không ai có thể phủ định.
Kết thúc bài thơ là những lời chúc ngắn gọn nôm na mà dễ đi vào lòng người, thấm thía tâm hồn dân tộc, từ đó làm cơ sở cho mọi hành động phấn đấu sau này để thực hiện cho bằng được mục tiêu "nhân dân Nam - Bắc là con một nhà": "Mừng năm mới/ Cố gắng mới/ Tiến bộ mới,/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi!"
Bài thơ chúc Tết Quý Mão 1963 của Bác được tách thành hai khổ thơ lồng trong Lời chúc mừng năm mới. Tuy xen vào những lời chúc văn xuôi nhưng lại thống nhất về nội dung và hình thức nghệ thuật. Thi phẩm thực sự đã thơ hóa tư tưởng của Người về một Việt Nam độc lập, thống nhất và tròn vẹn lãnh thổ để cho tất cả mọi người có được một năm mới vui tươi, hạnh phúc, tiến bộ, đặc biệt là hai miền Nam - Bắc được cùng chung một nhà.
LÊ THÀNH VĂN