Nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua luật cho phép lao động nước ngoài phổ thông ở lại Nhật Bản lâu dài, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có kế hoạch để chuẩn bị cho chính sách mới này.
Lao động Việt Nam tại một nhà máy của Nhật Bản
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết như vậy trước thông tin nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo điều chỉnh Luật Kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn nhằm thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài cho các lĩnh vực đang thiếu nhân công.
Ông Liêm cho biết gần đây Nhật Bản luôn thiếu hụt nhân lực lao động, nhất là trong lĩnh vực y tế.
"Chính phủ Nhật phê chuẩn dự luật này, tôi cũng như mọi lao động Việt Nam đều vui mừng, vì được ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài là mong muốn, là nguyện vọng của hầu hết lao động. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự luật, phải đợi tới đây Quốc hội Nhật Bản thông qua", ông nói.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, do thiếu hụt lao động, nhất là lĩnh vực y tế, gần đây Nhật Bản và Việt Nam đã có những thỏa thuận để thực hiện thí điểm đưa thực tập sinh sang làm việc ở lĩnh vực y tế.
Hiện đã có gần 100 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo hình thức này, và đây chính là những đối tượng mà nếu chính sách mới của Nhật được thông qua, thực thi thì lao động Việt Nam sẽ được hưởng lợi, được ở lại làm việc lâu dài.
Cùng quan điểm như ông Liêm, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, cũng cho rằng "đây là thông tin rất đáng mừng, và chúng ta vẫn phải chờ xem Quốc hội Nhật Bản có thông qua hay không".
Theo ông Trào, vì Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng nên Chính phủ họ đã "chấp nhận" thay đổi chính sách để thu hút lao động. Nếu dự luật này thông qua, chắc chắn mọi lao động hẳn sẽ rất vui.
"Khi đã mất bao công đào tạo, học nghề để sang làm việc được ở Nhật, người lao động không muốn dừng lại ở hợp đồng làm việc 3 năm như hiện nay, mà muốn kéo dài hơn", ông Trào nói.
Cũng theo ông Trào, việc Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn dự luật này, đồng ý cho lao động ở lại lâu dài, nhưng cũng chưa biết được ở lại thêm bao nhiêu năm. Tuy nhiên, cứ được ở lại thêm thì mọi lao động sẽ rất vui mừng, và doanh nghiệp chắc chắn không gặp khó khăn.
Ông Hoàng Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), cho rằng quy định này được ban hành rất có lợi cho các doanh nghiệp.
"Vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp là tình trạng người lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại. Nếu kéo dài thời gian được ở lại làm việc thì họ sẽ yên tâm làm việc, hạn chế, khắc phục được tình trạng lao động bỏ trốn ra ngoài.
Hơn nữa, với chính sách này, người lao động sẽ thích thú hơn vì được ở lại làm việc lâu, tức là thu nhập sẽ càng cao, và doanh nghiệp khi đó sẽ dễ dàng tuyển được những lao động chất lượng để đưa sang Nhật Bản làm việc".
Theo Tuổi trẻ