Chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, các bệnh viện công thiệt thòi

07/11/2022 05:58

Việc chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế khiến các bệnh viện công trong tỉnh không có điều kiện cải thiện thu nhập, giữ chân bác sĩ giỏi và đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.


Nhiều máy thở tại Bệnh viện Phổi Hải Dương bị hỏng nhưng chưa có tiền để sửa chữa

Giá dịch vụ y tế hiện mới tính 4 trong 7 yếu tố cấu thành, trong đó nhiều khoản thu đã rất lạc hậu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh viện, nhất là các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Không có tiền sửa chữa, mua sắm lớn

4 trong 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế hiện nay gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là: sửa chữa lớn tài sản cố định, khấu hao tài sản và chi phí đào tạo - nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương cho rằng quy định giá dịch vụ y tế hiện hành đã tồn tại từ lâu trong khi thời giá hiện nay thay đổi quá nhiều. Những năm gần đây, việc chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế khiến Bệnh viện Phổi Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Tiền thu từ dịch vụ y tế cơ bản chỉ đủ chi cho con người và mua sắm vật tư, hoá chất điều trị bệnh nhân hằng ngày, không có tiền tái đầu tư cơ sở vật chất. “Kể từ ngày thực hiện cơ chế tự chủ, chúng tôi chỉ mua được duy nhất một chiếc máy chụp cắt lớp vi tính bằng tiền vay vốn ngân hàng. Một số máy thở hiện đã bị hỏng nhưng không có tiền bảo dưỡng, sửa chữa”, bác sĩ Lưu thông tin.

Các bệnh viện tuyến tỉnh ở Hải Dương hiện mới thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thường xuyên, chưa phải tự chủ hoàn toàn. Dịch vụ y tế thu hằng ngày chỉ đủ bệnh viện chi thường xuyên, còn những hạng mục xây dựng, sửa chữa lớn vẫn được ngân sách tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, ngân sách cấp xuống đến bệnh viện thường chậm trong khi máy móc, thiết bị y tế đòi hỏi phải sửa chữa ngay để phục vụ khám chữa bệnh. “Bệnh viện xin cấp trên 800 triệu đồng để sửa chữa một chiếc máy chụp cắt lớp từ năm 2021 nhưng đến nay tiền vẫn chưa về. Giá như giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ thì có khi chúng tôi cũng tự sửa chữa được”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương Nguyễn Thị Thức nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ cấu tính giá của rất nhiều dịch vụ y tế tại các bệnh viện được xây dựng từ nhiều năm đến nay đã lạc hậu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giá dịch vụ điện tâm đồ tối đa chỉ 45.900 đồng/lượt, truyền tĩnh mạch 20.000 đồng/lượt, siêu âm 49.000 đồng/lượt… Bệnh viện Phổi Hải Dương thu dịch vụ xét nghiệm máu 53.000 đồng/lượt, đờm 25.000 đồng/lượt. “Nhiều dịch vụ bị lỗ vốn như dịch vụ siêu âm màu cho bệnh nhân. Sau khi in kết quả chẩn đoán mà không kèm in hình ảnh siêu âm màu cho bệnh nhân thì bệnh viện sẽ bị bảo hiểm y tế trừ trong đơn giá dịch vụ siêu âm. Thế nhưng để in màu thì cần có giấy, máy in, mực màu… Những thứ này đều do bệnh viện tự mua. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính mà không tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế thì bệnh viện rất khó khăn”, lãnh đạo một bệnh viện xin giấu tên chia sẻ.

Đào tạo, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với ngành y. Nhân viên y tế cần được đào tạo chuyên sâu thường xuyên mới có trình độ để theo kịp xu hướng phát triển của y học thế giới và làm chủ công nghệ máy móc. Có điều, các dịch vụ y tế hiện vẫn chưa đưa yếu tố này vào cơ cấu giá. “Một bác sĩ đa khoa mới ra trường mới chỉ có thể làm việc cơ bản, muốn phát triển được năng lực thì cần đi học chuyên khoa định hướng. Sau đó về phải làm thêm 18 tháng nữa mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Với những bác sĩ đã lành nghề thì hằng năm vẫn phải học ít nhất 40 tiết chuyên sâu nữa, nếu không học thì không được cấp chứng chỉ hành nghề. Bệnh viện khó khăn nên chỉ hỗ trợ được phần nào, còn các bác sĩ phải bỏ tiền túi ra đi học”, bác sĩ Nguyễn Văn Lưu cho biết thêm.


Hiện giá nhiều dịch vụ y tế đã lạc hậu khiến các bệnh viện công gặp khó khăn. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện  Nhi khám và điều trị cho trẻ tại Khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Thanh Minh

Điều chỉnh phù hợp với thời giá

Chất lượng dịch vụ y tế tại một số bệnh viện tuyến tỉnh bị người dân phàn nàn, nhiều người không tin tưởng nên chuyển tuyến. Tình trạng nhân viên ngành y xin nghỉ việc ngày càng nhiều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần quan trọng do giá hàng loạt dịch vụ y tế hiện hành không còn phù hợp dẫn tới nguồn thu của các bệnh viện thấp. Các bệnh viện vì thế không có đủ điều kiện cải thiện thu nhập, giữ chân bác sĩ giỏi và đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Trung Chính cho biết giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế xây dựng, giá dịch vụ y tế tự nguyện do HĐND tỉnh thông qua. Về cơ bản, khung giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tự nguyện tại Hải Dương không chênh lệch nhiều. Nhiều khoản dịch vụ đã lạc hậu, cần điều chỉnh phù hợp với thời giá mới khắc phục được khó khăn cho các bệnh viện. “Vừa rồi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, chúng tôi đã kiến nghị về vấn đề này. Hy vọng cấp trên sẽ sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, làm sao tính đúng, tính đủ cho các bệnh viện”, bà Chính cho biết.

Lãnh đạo một số bệnh viện cho rằng, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ khiến viện phí tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí của người bệnh. Song việc tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh mà để bệnh viện tồn tại, có nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, thu hút, giữ chân được bác sĩ giỏi, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, các bệnh viện công thiệt thòi