Bia rượu và lẫn nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nhưng việc xử lý của lực lượng cảnh sát ở các địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt.
Bãi đỗ của một quán bia trên đường Hoàng Hoa Thám (TP Hải Dương) chật kín ô tô, xe máy
Sau khi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Thế nhưng hiện nay việc xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông ở các địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt.
Vi phạm phổ biếnTại TP Hải Dương, khoảng từ 5 giờ chiều, các quán bia ở khu vực cuối đường Thanh Niên, đường Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng... đông dần lên. Nhiều người, đa số là các đấng mày râu thường lấy bia, rượu để xả hơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Các điểm để xe tại nhà hàng bia Thu Hà ở đường Hồng Quang, nhà hàng bia vườn 123 ở đường Hoàng Hoa Thám, nhà hàng ở sân Nhà Thi đấu tỉnh đều chật kín ô tô, xe máy. Tại đây, hàng trăm thực khách đều đi phương tiện cá nhân đến các điểm nhậu và vô tư uống bia, rượu. Nhiều nhóm khách 5 đến 7 người uống hết 1 đến 2 két bia, đôi khi còn kèm thêm vài chai rượu.
Đang vui vẻ cùng bạn bè ở một quán ăn trên đường Hoàng Hoa Thám, anh Nguyễn Văn Thanh nhà ở khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương cho biết: “Do tính chất công việc nên mỗi tuần tôi thường đi uống với khách hàng, bạn bè từ 4 đến 5 buổi. Tôi thường mang theo 1 lít rượu ngon để mọi người cùng thưởng thức. Bình thường một bàn 6 người, chúng tôi uống chục chai bia và hết 1 lít rượu. Khi cao hứng phải gọi thêm 3 chai rượu nữa mới đủ”. Anh Thanh thường đi xe máy đến các quán bia. Có hôm say rượu, sáng hôm sau tỉnh dậy, không còn nhớ hôm qua đi xe về thế nào. Với quy định nghiêm ngặt như hiện nay, có lẽ không cần sử dụng phương tiện chuyên dụng cũng có thể khẳng định những người ngồi nhậu như anh Thanh đều vi phạm nồng độ cồn khi đi xe máy. Toàn TP Hải Dương, mỗi buổi chiều tối có tới cả nghìn người ăn nhậu. Điều đó đồng nghĩa với việc gần như hầu hết số người đó đều vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm tại các nước phát triển có khoảng trên 20% lái xe tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) do vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu. Đối với các nước thuộc nhóm đang phát triển, có khoảng 33 - 69% lái xe tử vong vì TNGT và 8 - 29% lái xe bị chấn thương có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Đối với Việt Nam, thống kê tại 2 Bệnh viện Xanh Pôn và Việt Đức từ năm 2010 đến 2012, số nạn nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu chiếm 62% tổng số nạn nhân bị TNGT. Tại Viện Pháp y quốc gia, qua xét nghiệm 500 nạn nhân bị tử vong do TNGT đường bộ thì có tới 34% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu.
Anh Trần Văn Long ở khu dân cư số 6, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) là người từng gây ra TNGT do sử dụng bia, rượu kể lại: “Trong một lần uống rượu cùng bạn bè, tôi uống hết gần 1 lít rượu rồi rủ mọi người đi hát karaoke. Do quá say, tôi đi xe máy đâm trực diện vào một người đi xe đạp ngược chiều. Tôi bị ngã, mặt cày xuống đường, gẫy tay và bất tỉnh. Người đi xe đạp thì bị gẫy chân, chấn thương sọ não, điều trị 3 tháng mới khỏi. Sau vụ tai nạn, tôi bị suy giảm sức khỏe và thiệt hại lớn về kinh tế. Bây giờ có rượu tôi cũng không dám uống”.
Cảnh sát giao thông Công an huyện Tứ Kỳ kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tỉnh lộ 391
Xử lý chưa nhiềuCuối năm 2014, đầu năm 2015, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt chuyên đề “Kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ theo kinh nghiệm quốc tế” do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) thực hiện. Tính đến hết quý II - 2015, PC67 đã tiến hành kiểm tra 6.184 lái xe, phát hiện, lập biên bản 136 trường hợp, xử phạt trên 608 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức thực hiện chuyên đề kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn mới chỉ được thực hiện trên các tuyến quốc lộ do lực lượng của PC67 đảm nhận. Mặc dù đến nay lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện đều đã được trang cấp máy đo nồng độ cồn nhưng mới chủ yếu tổ chức tuần tra đơn thuần, chưa tổ chức tuần tra theo chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu do lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện còn mỏng, hạn chế về lực lượng, trang thiết bị phục vụ chuyên đề này còn chưa đầy đủ như: các cọc tiêu, rào chắn, biển báo, phương tiện phục vụ tổ chức chuyên đề...
Để khắc phục những hạn chế trên, ngày 10-9, Công an tỉnh đã phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức tập huấn “Xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế” cho lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh. Đại úy Trần Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tham mưu, tổng hợp (PC67) cho biết: “Để hạn chế việc người lái xe sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông, bên cạnh hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông thì cần phải có những biện pháp đồng bộ. Đặc biệt, các cơ quan đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân. Cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe. Xây dựng quy chế kiểm soát lái xe uống rượu bia giữa các cơ quan chức năng với người bán đồ uống có cồn và lái xe”.
Theo PC67, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, PC67, Công an các huyện sẽ tập trung khảo sát về thực tế tuyến, địa bàn, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ việc thực hiện chuyên đề này. Đặc biệt chú ý việc khảo sát thời điểm, khu vực, tuyến, đối tượng xảy ra nhiều vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Từ đó, nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, xử lý nghiêm và triệt để vi phạm quy định về nồng độ cồn, góp phần hạn chế các nguyên nhân gây TNGT đường bộ.
TRẦN HOÀNG