Dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực hơn 1 năm nay nhưng nhiều quy định tại luật này vẫn chưa được chấp hành.
Tình trạng người dân vô tư hút thuốc ở nơi công cộng vẫn khá phổ biến. Ảnh: ĐứcThành
Tình trạng người dân vô tư hút thuốc ở những điểm cấm vẫn khá phổ biến, trong khi các ngành chức năng vẫn kêu "khó" khi thực thi luật.
Vẫn mịt mù khói thuốcỞ các quán cà phê, nhà hàng… đi kèm với thức ăn, đồ uống, chủ quán bao giờ cũng phục vụ thuốc lá khi khách yêu cầu. Người hút cứ vô tư nhả khói không màng đến những vị khách xung quanh. Chị Nguyễn Thị Hải ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) bức xúc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có nhưng ít người chấp hành. Gia đình tôi thường đi ăn sáng, uống cà phê cùng bạn bè vào ngày cuối tuần. Mỗi khi ngồi gần mấy người hút thuốc lá là cả nhà phải chuyển vị trí vì không chịu nổi.
Các quán nước ở quanh khu vực bến xe khách Hải Dương thường đông nghịt khách ngồi tránh nắng, chờ xe chạy. Tại đây, nhiều người vẫn luôn tay điếu thuốc lá, phả mịt mù khói thuốc lào. "Biết ở khu vực bến xe này cấm hút thuốc nhưng ngồi chờ xe sốt ruột quá, tôi lại lấy điếu thuốc ra hút cho đỡ... buồn miệng", một hành khách cho biết. Cách đó không xa, quán nước của bà Kha ở ga Hải Dương cũng đông khách ngồi chờ tàu về. Vừa rót nước mời khách, bà chủ quán vừa đon đả giới thiệu với một thanh niên: "Chị đã lấy thuốc lá mèo rồi nhé, đúng loại em thích. Hôm nay, em có "ăn" không?". Chưa kịp để anh này trả lời, bà chủ quán đã lấy ra bao thuốc lá từ chiếc hộp kính đựng hơn chục bao thuốc lá đủ loại đưa cho. Anh này cũng bóc ngay bao thuốc ra hút, bất chấp xung quanh có cả phụ nữ, trẻ em cũng ngồi uống nước chờ tàu. Tôi bắt chuyện bà Kha: "Bán thuốc lá như thế này cô không sợ bị phạt à?". Ngạc nhiên, bà Kha nói: "Ai phạt? Vì sao phạt tôi? Tôi bán thuốc lá hơn 10 năm rồi có ai đến kiểm tra hay xử phạt gì đâu...".
Khó xử lý vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định lực lượng xử phạt hành vi vi phạm về hút thuốc lá, kinh doanh thuốc lá gồm: công thương, y tế, công an, UBND các cấp... Ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Đến nay, sở chưa phối hợp với ngành nào tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc lá cũng như hút thuốc lá. Đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nhưng trong thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện vi phạm thì chưa đề cập đến ngành nào đứng ra chủ trì. Đến nay, thanh tra ngành y tế cũng chưa tổ chức thanh tra, giám sát nên chưa xử lý được vi phạm nào".
Theo Sở Công thương, hiện nay sở chỉ quản lý các cơ sở, doanh nghiệp bán buôn, còn bán lẻ thuốc lá do cấp huyện cấp phép, quản lý. Sở mới cấp giấy phép bán buôn thuốc lá cho 10 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá lớn. Ông Nguyễn Quý Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: "Trên địa bàn huyện, thuốc lá chủ yếu được bán cùng với các mặt hàng tạp hóa hoặc các quán nước vỉa hè bán kèm với các loại nước giải khát... Do họ bán không nhiều nên việc kiểm soát cũng không dễ. Qua kiểm tra, hầu hết các điểm kinh doanh thuốc lá đều không đủ điều kiện. Do đó, chúng tôi chưa cấp phép kinh doanh thuốc lá cho cơ sở nào". Điểm vi phạm quy định nhiều nhất là các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thuốc lá là không có hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn và diện tích kinh doanh không phù hợp. Chị Phan Thị Hải, chủ một cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Thanh Miện cho biết: "Nếu phải đáp ứng đủ 5 điều kiện theo quy định thì tôi sẽ không bán thuốc lá nữa, vì lời lãi từ thuốc lá không nhiều. Hơn nữa, đây chỉ là sản phẩm bán kèm nên khó có thể làm hợp đồng mua bán và trưng bày đủ diện tích theo quy định”.
Để luật phát huy hiệu quảBà Nguyễn Thị Sáu, Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Thuốc lá là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Việc cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá sẽ giúp cho các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát thị trường thuốc lá lậu, thuốc lá kém chất lượng, thuốc lá giả đang làm rối loạn thị trường hiện nay. Để kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc lá hiệu quả, Nhà nước nên bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của các hãng sản xuất, đại lý phân phối, bán buôn thuốc lá, yêu cầu họ chỉ được bán sản phẩm cho những cá nhân có giấy phép bán lẻ. Ngay thời điểm này các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền để người kinh doanh hiểu luật, nắm luật sau đó mới tiến hành kiểm tra, xử phạt. Khi đó, luật mới có khả năng đi vào cuộc sống.
Hầu hết quán cóc vỉa hè không đủ điều kiện kinh doanh thuốc lá
Ngành y tế đã có hướng dẫn đến tất cả các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, các đơn vị đã xây dựng các quy chế riêng về việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc. Công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến cán bộ, bệnh nhân và nhân dân cũng được chú trọng. Nhìn chung, nhiều đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc trong việc kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với cán bộ, nhân viên có hành vi hút thuốc lá. Ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, trong tháng 6, ngành y tế sẽ phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua đó sẽ có những giải pháp tích cực để đưa luật đi vào cuộc sống.
Để hạn chế tác hại của thuốc lá thì không chỉ là việc của cơ quan có thẩm quyền mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Mỗi người dân cần hiểu rõ tác hại của việc hút thuốc lá không chỉ đối với bản thân, mà còn ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng để tự điều chỉnh hành vi của mình, góp phần xây dựng môi trường trong sạch, không khói thuốc lá.
PV