Chưa có lối thoát cho cuộc nội chiến ở Yemen

12/08/2019 19:17

Tình hình an ninh tại Yemen, đặc biệt là ở thành phố Aden, đang hết sức rối ren và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường.

Hậu quả của nội chiến Yemen. Ảnh: Global Risk Insights

Các cuộc giao tranh những ngày qua giữa lực lượng ly khai miền Nam và liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đang đẩy quốc gia Trung Đông này vào tình thế “chia năm, xẻ bảy” với sự can dự của nhiều lực lượng cả trong và ngoài nước, và khiến cuộc khủng hoảng ở Yemen đứng trước nguy cơ kéo dài không có hồi kết.

Chìm trong khủng hoảng kéo dài

Cuộc chiến ở Yemen bị châm ngòi từ một loạt các cuộc biểu tình "Mùa Xuân Arab" lan rộng trên khắp Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2011. Làn sóng này đã khiến nhà lãnh đạo Yemen Ali Abdullah Saleh bị lật đổ năm 2012 và thay thế bởi Tổng thống Mansour Hadi. Tuy nhiên, giờ đây, dù chính quyền của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận song cũng không đủ khả năng để kiểm soát tình hình và đang phải đối mặt với nhiều sự phản đối của phong trào ly khai, nổi dậy từ các lực lượng như Houthi và Al Qaeda khiến Yemen rơi vào tình trạng rối ren.

Yemen rơi vào cuộc nội chiến giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi từ cuối năm 2014. Đầu năm 2015, lực lượng Houthi chiếm được thủ đô Sanaa, buộc Tổng thống Hadi phải chuyển tới thành phố Aden. Aden là thành phố cảng lớn thứ 2 của Yemen và hiện được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Hadi. Ông Hadi hiện cũng đang sống lưu vong ở Saudia Arabia kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi năm 2014.

Vào tháng 3.2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Cuộc nội chiến ở Yemen vì vậy còn được cho là rất phức tạp bởi nó không chỉ là cuộc xung đột nội bộ giữa các phe phái ở Yemen mà giờ đây nó đã bị biến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm từ năm 2015 với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có liên minh quốc tế do Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng đầu, hỗ trợ Yemen chống lại phiến quân Houthi. Mỹ và Anh cũng đứng về phía liên minh này. Trong khi đó, Iran được cho là ủng hộ các lực lượng Houthi từ xa bằng việc cung cấp vũ khí cho lực lượng này, song cả Houthi và Iran đến nay vẫn phủ nhận có quan hệ với nhau. 

Riêng trong liên minh quốc tế do Saudi Arabia và UAE đứng đầu, nếu như ban đầu đều nhằm mục đích chung là đối phó với lực lượng Houthi tại Yemen (vì lực lượng này được cho là có Iran đứng hậu thuẫn đằng sau) thì giờ đây liên minh này lại đang đứng trước những mâu thuẫn nội bộ do xuất hiện những lợi ích trái ngược nhau. 

Hiện nay, Saudi Arabia vẫn ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống lưu vong Mansour Hadi, song có nhiều thông tin cho rằng UAE đã quay ra bảo trợ cho các chính trị gia ở miền Nam Yemen để vận động chiến dịch đòi ly khai. Những người ly khai đã bày tỏ muốn có được một Nam Yemen độc lập, như đã từng tồn tại từ năm 1967-1990. Song chính quyền của Tổng thống Hadi cho rằng UAE đã xâm phạm chủ quyền của Yemen.

Những căng thẳng trên được xem là một đòn giáng mạnh vào liên quân Arab do Saudi Arabia và UAE đứng đầu kể từ khi tham chiến tại Yemen năm 2015. Nhiều người cho rằng, việc UAE ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Nam khiến cho chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen, vốn đang phải gồng mình chống lại phiến quân Houthi ở phía Bắc trong hơn 4 năm qua, nay lại tiếp tục rơi vào một cuộc chiến khác ở mặt trận phía Nam, đặc biệt là thành phố cảng chiến lược Aden, với cái gọi là Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC).

Tiếp tục diễn biến phức tạp

Những ngày qua, thành phố cảng Aden, nơi được xem là trụ sở tạm thời của chính phủ được quốc tế công nhận, đã trở thành chiến trường giữa quân đội trung thành với Tổng thống Mansur Hadi và phe ly khai miền Nam. 

Sau 4 ngày giao tranh ác liệt từ ngày 7 - 10.8, lực lượng ly khai ở Yemen được sự hậu thuẫn của UAE đã giành được quyền kiểm soát phần lớn thành phố cảng Aden ở miền Nam nước này, trong đó có cả dinh tổng thống, từ các lực lượng trung thành với chính phủ được quốc tế công nhận. Trước đó, cùng ngày 10.8, lực lượng ly khai được UAE hậu thuẫn còn giành được quyền kiểm soát 2 doanh trại quân đội từ các lực lượng trung thành với Tổng thống Hadi. 4 ngày giao tranh ở Aden cũng đã khiến hơn 70 người thiệt mạng trong đó có nhiều dân thường, hơn 200 người bị thương.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh cựu Bộ trưởng Hani Bin Braik, người hiện đang nắm giữ chức Phó Chủ tịch STC, kêu gọi lật đổ chính quyền của Tổng thống Hadi với cáo buộc ông Hadi và các lực lượng của nhà lãnh đạo này là thành viên hoặc trung thành với chi nhánh của tổ chức Anh Em Hồi giáo (MB) ở Yemen. MB vốn là một phong trào chính trị bị UAE và một số quốc gia Arab khác coi là một tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen, vốn được Saudi Arabia ủng hộ, lại cáo buộc lãnh đạo STC kích động nổi loạn đồng thời cho rằng hành động này vô hình chung chỉ tiếp tay cho lực lượng phiến quân Houthi vốn đang kiểm soát thủ đô Sanaa. Chính phủ Yemen đã kêu gọi Saudi Arabia và UAE gây sức ép với phe ly khai ở nước này nhằm buộc lực lượng này ngừng các cuộc tấn công các lực lượng ủng hộ chính phủ.

Trước những diễn biến ở miền Nam Yemen, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã cảnh báo sẽ hành động quân sự nếu các tay súng ủng hộ STC không rời các doanh trại quân sự mà họ chiếm giữ từ ngày 10.8 tại thành phố Aden và ngừng giao tranh. 

Một ngày sau khi các tay súng ở miền Nam giành quyền kiểm soát thành phố Aden, ngày 11.8, trong một động thái nhằm ủng hộ Chính phủ Yemen, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành tấn công thành phố cảng Aden. Liên quân cho biết đã tấn công vào những khu vực đặt ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với Chính phủ của Tổng thống Hadi. Đài truyền hình nhà nước Saudi Arabia khẳng định: "Đây chỉ là chiến dịch đầu tiên, và sẽ có nhiều chiến dịch khác", đồng thời cho biết thêm rằng các lực lượng trung thành với STC "vẫn còn cơ hội để rút lui".

Sau cảnh báo của liên quân Arab, STC đã đồng ý ngừng bắn. Ngày 11.8, STC đã cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn tại đây và sẵn sàng tham gia cuộc tiếp xúc giữa các phe phái ở Yemen do Saudi Arabia đề xuất. Thủ lĩnh STC Aidaroos al-Zubaidi phát biểu trên kênh truyền hình AIC đặt tại Aden cho biết các tay súng STC đã rút khỏi một số vị trí chiếm giữ ở Aden, trong đó có phủ tổng thống, trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu...

Theo giới phân tích chính trị, những diễn biến ở Aden cho thấy khả năng về một mặt trận mới đã xuất hiện trong cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này, trong khi cuộc xung đột với lực lượng phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn thì vẫn chưa có hồi kết. Chính những tác động từ nhiều bên tham gia vào cuộc chiến tại Yemen đã cản trở các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở nước này do Liên hợp quốc làm trung gian thời gian qua. Các nhà phân tích cho rằng nếu các bên liên quan tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì mọi hậu quả đau thương đều đổ lên đầu dân thường vô tội.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay đang diễn ra ở Yemen, song các nỗ lực chấm dứt xung đột vẫn chưa hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này còn quá xa vời. Theo các cơ quan nhân đạo, giao tranh giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và phiến quân Houthi tại Yemen trong hơn 4 năm qua đến nay đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, hầu hết là dân thường. Cuộc xung đột này cũng làm khoảng 3,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 24,1 triệu người (tương đương 80% dân số) cần hỗ trợ lương thực. Song những cuộc giao tranh trên thực địa lại đang cản trở công việc vận chuyển và phân phát đồ cứu trợ của cộng đồng quốc tế cho người dân Yemen.

Theo dự báo của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách công tác nhân đạo Mark Lowcock, sẽ có nửa triệu người bỏ mạng ở Yemen vào năm 2020 nếu chiến tranh tiếp diễn tại quốc gia này. Trong số đó, hơn 300.000 người sẽ chết do thiếu đói, không được chăm sóc y tế và các nguyên nhân liên quan. Khoảng 25% số trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng, gần 40% số em không được đi học. Ông Mark Lowcock cũng cảnh báo nếu chiến tranh tiếp diễn, thế giới sẽ phải gánh vác một chiến dịch cứu trợ nhân đạo lớn hơn và đắt đỏ hơn. Năm 2019, kế hoạch cứu trợ cho Yemen của Liên hợp quốc có kinh phí 4,2 tỷ USD, nhưng nếu chiến tranh không sớm kết thúc, số tiền cần cứu trợ cho Yemen sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có lối thoát cho cuộc nội chiến ở Yemen