Chữa bệnh cho thủy sản: Người nuôi vẫn tự "bơi"

24/07/2017 07:24

Để ngành thủy sản phát triển ổn định, hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro từ dịch bệnh đòi hỏi phải có mạng lưới bác sĩ thủy sản có chuyên môn cao.



Hiện nay, người nuôi thủy sản vẫn phải tự xoay xở tìm cách điều trị bệnh cho cá, ít nhận được sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn


Nhưng hiện nay ở cơ sở chưa có mạng lưới này, do vậy đa số người nuôi vẫn phải tự "bơi".

Mò mẫm

Đã gần chục năm nuôi cá nhưng anh Mai Văn Chỉnh ở thôn Kim Trang Đông, xã Lam Sơn (Thanh Miện) mới chỉ tham gia vài lớp tập huấn kỹ thuật. Với anh Chỉnh, các lớp tập huấn này chẳng thấm vào đâu, bởi kiến thức anh học được quá ít. Để nuôi cá hiệu quả, anh phải học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi cá đi trước, cộng thêm kiến thức tự học. "Cuối năm 2015, cá trong ao nhà tôi bị chết, tôi đã mua thuốc tự điều trị nhưng vẫn chết nhiều. Tôi chẳng rõ nguyên nhân gì khiến cá chết nên việc chữa bệnh rất khó", anh Chỉnh cho biết.

Hơn 3 năm trước, anh Chu Văn Qua ở thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) đi thăm mô hình nuôi cá lồng của bạn ở xã Nam Tân (Nam Sách). Thấy mô hình cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, anh Qua cũng đầu tư số tiền lớn để nuôi cá lồng. Không có kiến thức nuôi cá từ trước nên anh phải tự học hỏi. Năm đầu, cá bị bệnh chết nhiều, anh phải nhờ bạn bè tới tận lồng quan sát, "bắt bệnh", sau đó mới mua thuốc về điều trị. Vừa nuôi vừa học hỏi nên đến nay, anh Qua đã tự nhận biết được một số bệnh cá nuôi lồng thường mắc phải.

Theo anh Qua, đối với các vật nuôi khác, người nuôi được đội ngũ cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ rất nhiều từ kỹ thuật chăn nuôi, kinh nghiệm xử lý dịch bệnh... nhưng những cán bộ thú y có kinh nghiệm trong nuôi thủy sản thì rất ít. "Người nuôi chúng tôi chủ yếu phải tự mò mẫm. Nhiều khi cá bị bệnh chết cũng chẳng biết nhờ ai", anh Qua nói.

Xã Nam Đồng (TP Hải Dương) hiện có hơn 40 hộ nuôi 600 lồng cá. Các hộ nuôi cá lồng đều tự phát, không có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Ông Nguyễn Hồng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đồng cho biết từ năm 2014, phong trào nuôi cá lồng bắt đầu phát triển ở xã nhưng đến nay địa phương mới phối hợp tổ chức được 2 lớp tập huấn về kiến thức nuôi cá cho các hộ nuôi. "Mặc dù phong trào nuôi thủy sản phát triển mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng địa phương chưa có cán bộ chuyên môn về thủy sản. Khi cá bị bệnh các hộ vẫn tự mua thuốc điều trị nên không ít lần nhiều hộ nuôi bị thiệt hại nặng", ông Phú nói.

Vừa thiếu, vừa yếu

"Người nuôi chúng tôi chủ yếu phải tự mò mẫm. Nhiều khi cá bị bệnh chết cũng chẳng biết nhờ ai."


Hải Dương là tỉnh có nhiều ao, hồ, sông... để phát triển nuôi thuỷ sản. Trong vài năm trở lại đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nên nghề nuôi thuỷ sản phát triển khá mạnh và dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha nuôi thủy sản. Ngoài diện tích ao, hồ nuôi thủy sản, tỉnh ta còn phát triển nuôi cá lồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 lồng nuôi cá trên sông với thể tích hơn 319.000 m3. Cá rô phi đơn tính, diêu hồng, cá trắm, chép... là những giống cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành thuỷ sản vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề thú y thuỷ sản.

Phong trào nuôi thuỷ sản phát triển mạnh nhưng công tác thú y thuỷ sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống cán bộ thú y thuỷ sản hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Hệ thống cán bộ thú y có từ tỉnh đến tận các thôn, nhưng lại không có bác sĩ thú y có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản, nhất là ở cơ sở.

Nhiều năm nay, người chăn nuôi thuỷ sản vẫn tự mò mẫm phòng chống dịch bệnh cho ao cá, lồng nuôi của mình. Cái họ có chỉ là kinh nghiệm nhưng không sâu. Hộ nào may mắn thì được học qua vài ngày tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản do Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân... tổ chức, do vậy hiệu quả phòng chống dịch bệnh rất hạn chế.

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện nay ngoài sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản, người dân còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện. Các công ty thuốc thú y thủy sản cũng có cán bộ chuyên môn sâu. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ mỏng trong khi diện tích nuôi thủy sản lớn nên đa số hộ nuôi vẫn phải tự "bơi" là chính.

Nuôi thuỷ sản không thể phát triển ổn định, bền vững nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh để phát triển nuôi thủy sản, ngành nông nghiệp cần quan tâm thu hút, xây dựng một mạng lưới cán bộ thú y trong lĩnh vực thuỷ sản vững về chuyên môn, đủ về số lượng. Trước mắt, cần tăng cường mở các lớp tập huấn kiến thức, các ứng dụng khoa học kỹ thật mới trong lĩnh vực thủy sản cho người nuôi và cán bộ thú y cơ sở.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa bệnh cho thủy sản: Người nuôi vẫn tự "bơi"