“Sáng nay, một đồng nghiệp của tôi đã lên máy bay theo chồng đi xuất khẩu lao động. Cô ấy là giáo viên môn Lịch sử, có thâm niên trong nghề 8 năm, từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận”.
Đó là những chia sẻ nặng lòng của cô giáo Dương Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình, Hà Nội) tại hội thảo “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp" diễn ra ngày 16.11.
Cô Dương Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ những câu chuyện đầy xót xa về áp lực nghề giáo |
‘Không chỉ là áp lực, mà còn là bức xúc và uất ức’
Những câu chuyện mà cô Thảo chia sẻ về áp lực nghề giáo kéo dài gần 20 phút. Cô Thảo nói “đây không chỉ là áp lực, mà còn là nỗi bức xúc, uất ức trong nghề” của cô và của nhiều đồng nghiệp khác.
“Cách đây hơn 3 năm, tôi đi thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ngày 21.11 thi thì ngày 19.11 tôi vẫn còn đang ở phòng học để trang trí và dặn dò những học sinh cốt cán của lớp. 7 giờ tối tôi vẫn ở trường. Hôm đó cũng là sinh nhật đầu tiên của con gái. Tôi đã bật khóc. Chưa bao giờ, tôi cảm thấy áp lực của nghề lớn đến như thế. Cho đến thời điểm này, nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại trải qua được những tháng ngày đó”.
“Trước mỗi kỳ thi, đợt thanh tra, giáo viên chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng ‘chuẩn bị lên thớt’”.
Áp lực thứ 2 mà cô Thảo đề cập đến là các kỳ thi của học sinh.
Cô cho rằng kỳ thi chuyển cấp của học sinh THCS ở Hà Nội đôi khi còn căng thẳng hơn kỳ thi đại học. “Hà Nội có một kiểu đề riêng. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 9, tôi phải gánh trên vai nhiệm vụ 44 học sinh phải đỗ nguyện vọng 1. Vì kết quả của kỳ thi ấy sẽ là cơ sở để đánh giá xếp hạng trường THCS. Chúng tôi phải ngày đêm cày cuốc. Hiện tại, 1 tuần 3 buổi, chúng tôi phải ở lại phụ đạo thêm cho học sinh đến 7 giờ tối mới về đến nhà”.
“Nhưng chúng tôi không có con đường nào khác. Nếu chúng tôi không vượt qua, sẽ bị đánh giá về năng lực nghề nghiệp, sẽ phải chịu cái nhìn của các đồng nghiệp khác trong quận, trong thành phố vì đó là kết quả chung của trường”.
Trong khi đó, đi dạy 14 năm, vào biên chế đã 9 năm, đến nay lương của cô Thảo là 4,7 triệu đồng.
“Tôi sẽ sống như thế nào ở đất thủ đô?”
“Rất may tôi có gia đình chia sẻ để yên tâm được với nghề. Nhưng những đồng nghiệp của tôi, họ sẽ nhận được câu hỏi từ người thân ‘lương như vậy thì việc gì phải lăn lộn’”.
“Thế nên chúng ta không thể trách khi hiện nay nhiều cô giáo bán hàng qua mạng”.
“Sáng nay, một đồng nghiệp của tôi vừa theo chồng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Cô ấy là giáo viên lịch sử, 8 năm trong nghề, từng đạt giáo viên giỏi cấp quận”.
“Môn lịch sử là môn mà chúng tôi trong nghề thường nói với nhau rằng ‘không thể cựa quậy được gì thêm, không thể dạy thêm được’. Lương cô ấy đến bây giờ là 4,1 triệu đồng. Mà cô lại phải đi thuê nhà, nên làm sao có thể trụ lại. Lựa chọn của cô là xuất khẩu lao động theo chồng”.
Số lượng giáo viên chán nghề, bỏ nghề đang tăng dần lên chứ không có giảm, cô Thảo khẳng định chắc chắn.
“Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ rằng mỗi năm phòng giáo dục lại ra một mẫu giáo án để các cô không được in giáo án cũ. Nhưng trên thực tế cái này rất vô lý. Tại sao mẫu giáo án sai 1 từ là bị đánh giá năng lực giáo viên? Tại sao có chuyện yêu cầu trong giờ học cô không được nhận xét học sinh là “rất đúng” vì như vậy là quá khen học sinh? Điều đó ở đâu mà ra? Là ở cấp quản lý nhưng không phải ở trên Bộ, mà ở cấp cơ sở, từ hiệu trưởng tới các chuyên viên phòng giáo dục. Đó là những điều cực kỳ bất cập và hết sức vô lý”.
“Lên lớp có người dự giờ mà mỗi lời thốt ra đều lo có người đánh giá, phê bình. Thế thì thử hỏi làm sao chúng tôi có thể phát huy được nghề nghiệp?”
“Tôi nghĩ, đó không chỉ là áp lực, mà còn là nỗi bức xúc, uất ức trong nghề”.
‘Hãy cởi trói cho chúng tôi’
Từ những áp lực đó, cô Thảo trình bày mong muốn của mình với tư cách một giáo viên. “Tôi mong muốn giảm tải chương trình vì quá nặng. Khi thi cử không đổi mới thì chúng tôi cũng không dám mạnh dạn cắt bỏ cái gì hết”.
“Thứ hai là giảm số tiết. Hiện tại quy định giáo viên tiểu học 21 tiết/ tuần, THCS 19 tiết/ tuần. Đó là 1 con số tưởng chừng ít, nhưng công việc hậu trường của 19 tiết là quá nhiều. Sắp tới, với chương trình mới, giáo viên còn phải học nhiều hơn thì với số tiết như thế, công việc sẽ còn nặng hơn”.
Đề xuất thứ 2 của cô Thảo là giảm tải hồ sơ, sổ sách. Điều này liên quan nhiều đến lãnh đạo trường và phòng giáo dục.
“Tại sao bắt chúng tôi chép đến 80 trang cuốn sổ chủ nhiệm trong khi bây giờ tất cả danh sách hồ sơ học sinh và phụ huynh đều có trên máy tính. Tại sao chúng tôi không được in ra mà phải chép? Rất tốn thời gian và vô lý. Hãy cởi trói cho chúng tôi”.
“Về lương bổng, chắc sẽ chỉ là ước mơ xa vời, nhưng nên chăng mỗi trường nên có một chính sách nào đó để giáo viên có thể cải thiện mức sống”.
Về thay đổi quản trị nhà trường, “hãy giao cho chúng tôi nhiều quyền tự chủ hơn”.
Cô Thảo chia sẻ, những câu chuyện và mong muốn của cô cũng là nỗi niềm chung của nhiều giáo viên khác. Tuy nhiên, cô ngậm ngùi chia sẻ rằng, nếu những điều mong muốn chưa có được thì phải tự thay đổi bản thân mình để phù hợp với hoàn cảnh.
NGUYỄN THẢO (Vietnamnet)