Do nhiều nguyên nhân, hoạt động giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Thường trực HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế...
Cử tri xóm Chiến Thắng, thôn Vũ Xá, xã Thượng Vũ (Kim Thành) nhiều năm kiến nghị về tình trạng
ô nhiễm do cát bụi nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục
Tránh những việc khó?Xã Bình Dân (Kim Thành) được coi là "điểm sáng" trong hoạt động giám sát của HĐND cấp xã từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với 5 chuyên đề, HĐND xã đi vào các vấn đề "nóng": việc thực hiện các hợp đồng đấu thầu giữa UBND xã với công dân; việc khai thác sử dụng đất trong sản xuất gạch nung; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân; việc lập dự toán thu - chi ngân sách năm 2013 và làm đường bê-tông trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bà Ngô Thị Thu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết, chuyên đề giám sát về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân là xuất phát từ ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Các chuyên đề còn lại được xác định, lựa chọn thông qua thực tiễn công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc giám sát chuyên đề của HĐND xã Bình Dân được thực hiện theo quy trình "chuẩn", đúng luật định, nhưng vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri vì kết quả sau giám sát chậm được xử lý. Ví dụ, nội dung giám sát về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân tuy đã được HĐND xã triển khai từ năm 2012. Tuy nhiên đến nay, sau gần 2 năm có kiến nghị, tỷ lệ hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thấp (mới có 83% số hộ được cấp). Qua tiếp xúc cử tri, còn nhiều vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng việc thực hiện giám sát thường chậm, như việc quản lý hệ thống thủy lợi và điều tiết nước; việc khai thác, sản xuất gạch thủ công; việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm trên đất chuyển đổi...
Ông Vũ Đình Chanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho rằng, cấp phường thuận lợi hơn cấp xã do không có các giao dịch, các vấn đề phát sinh liên quan đến các lĩnh vực điện, nước, giao thông (các lĩnh vực này do thành phố quản lý) nên hoạt động giám sát của HĐND phường chủ yếu chỉ tập trung vào các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, y tế, an ninh trật tự... Trong chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2013, Thường trực HĐND phường Cẩm Thượng giám sát 3 chuyên đề tại Trạm Y tế, Ban Quân sự và Công an phường về việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và thực hiện Pháp lệnh Dân chủ, công tác phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và công khai sử dụng các khoản thu, chi, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và phương hướng 6 tháng đầu năm 2014. Lý giải việc giám sát chuyên đề chưa phong phú, Chủ tịch HĐND phường cho rằng, do địa bàn ổn định, công tác giám sát thường xuyên tốt, việc phối hợp, nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, phản ánh của nhân dân, cử tri kịp thời nên không có vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của UBND phường năm 2013 lại nêu khá rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế trên địa bàn. Điển hình là, công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, công chức cơ quan phường còn chưa thường xuyên, việc phát hiện tư tưởng có biểu hiện suy thoái chưa kịp thời. Đặc biệt, trong quản lý đất đai còn để xảy ra tình trạng xây dựng chưa có phép, một số hộ lấn chiếm hệ thống tiêu thoát nước, tình trạng ô nhiễm môi trường phức tạp, kéo dài... Tuy vậy, chương trình giám sát 6 tháng đầu năm 2014, HĐND phường cũng chỉ thực hiện giám sát việc phối hợp tuyên truyền kết quả của kỳ họp với cử tri và giám sát việc thực hiện một số lĩnh vực chuyên môn của UBND phường.
Tương tự, trên địa bàn huyện Nam Sách hiện có rất nhiều vấn đề nhân dân, cử tri đang quan tâm, như các vấn đề liên quan đến nạn khai thác cát trái phép; xây nhà quá diện tích trên đất chuyển đổi; chậm tiến độ các công trình cấp nước sạch cho nhân dân... Tuy nhiên, theo Thường trực HĐND huyện, trong chương trình giám sát 6 tháng đầu năm nay, xã nào cũng xây dựng từ 2-3 chương trình giám sát chuyên đề, nhưng không có HĐND xã nào "đả động" đến những vấn đề trên.
Ưu tiên những vấn đề cử tri quan tâmMột nguyên nhân được lãnh đạo HĐND nhiều xã cho rằng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động giám sát là do cơ cấu, trình độ, năng lực của đội ngũ đại biểu HĐND cấp xã không đồng đều. Tại xã Bình Dân, trong số 25 đại biểu trúng cử HĐND xã khóa này (2011-2016) chỉ có 2 đại biểu có trình độ đại học, 6 người có trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp và trình độ văn hóa từ 7-12/12. Việc phân bổ cơ cấu đại biểu theo các thành phần, tổ chức của địa phương đã gây hạn chế cho việc lựa chọn các đại biểu có trình độ cao. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đại biểu càng khó do các yếu tố về kinh phí, nhận thức và cả tâm lý "nhiệm kỳ" của một bộ phận đại biểu. Do thiếu đại biểu chuyên sâu nên nhiều nội dung Thường trực HĐND xã chỉ giám sát được lộ trình, đối chiếu quy trình thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Kim Thành, để giám sát sâu các vấn đề chuyên môn cần phải có đội ngũ đại biểu đúng chuyên ngành hoặc cần có cơ chế phối hợp, thuê, mời cán bộ chuyên môn cao. Đây cũng chính là khó khăn chung của HĐND cấp xã và cả cấp huyện do chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn về việc này.
Tháng 3 vừa qua, Thường trực HĐND huyện Nam Sách đã thảo luận và thông qua chuyên đề "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND". Thường trực HĐND huyện Nam Sách đã chỉ rõ điểm yếu nhất trong hoạt động giám sát là việc chọn nội dung, vấn đề giám sát chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri; chưa tập trung giám sát tốt những vấn đề có tính quan trọng, bức xúc, được nhân dân, cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình giám sát còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng; việc chọn thời điểm giám sát, đối tượng giám sát đôi khi chưa phù hợp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, HĐND cấp cơ sở cần coi trọng việc xác định đúng nội dung, đối tượng giám sát, thực hiện tốt kỹ năng và quy trình giám sát là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Hướng ưu tiên là nên đi sâu giám sát các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; giám sát việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc theo ý kiến, kiến nghị của cử tri. Khi xác minh nội dung giám sát, cần phải xác định đúng đối tượng giám sát cụ thể. Lực lượng giám sát phải bảo đảm thành phần theo quy định, có trình độ năng lực giám sát đáp ứng yêu cầu; có thái độ công tâm, khách quan khi giám sát…
TT
Cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của HĐND
Thuận lợi nhất trong hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay chính là có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy đảng do có đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND. Thực tế đã cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ thường xuyên và chăm lo đến tổ chức, bộ máy, định hướng nội dung hoạt động, bố trí cán bộ cho HĐND thì nơi đó hoạt động của HĐND có hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Do đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND. Các cấp ủy đảng cần dành sự quan tâm thỏa đáng cho công tác quy hoạch, đào tạo, phân công cán bộ có tâm, có tầm tham gia công tác HĐND, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng HĐND thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Với vai trò “đầu tàu”, Thường trực HĐND, cấp ủy các cấp đồng thời phải thể hiện khả năng, uy tín, trình độ bằng việc nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp trên và Nghị quyết của HĐND các cấp, nắm chắc tình hình thực tiễn của địa phương và những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ đó, mới có thể hoạch định, xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của HĐND với các nội dung sát hợp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và huy động, phát huy được thế mạnh của đội ngũ đại biểu HĐND.
TRẦN KHOÁI Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách
Chưa có cơ chế để phát huy vai trò giám sát của đại biểu
Giám sát là hoạt động thường xuyên, cũng là trách nhiệm của đại biểu HĐND trước cử tri của mình. Là đại biểu HĐND phường, chúng tôi ý thức được điều đó. Tuy nhiên, việc giám sát của đại biểu như chúng tôi hiện nay mới dừng ở việc nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của cử tri, thấy khu vực mình ứng cử có vấn đề gì bức xúc thì phản ánh lên Thường trực HĐND phường để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Thế nhưng nhiều kiến nghị của chúng tôi không được giải quyết, nên rốt cuộc có giám sát cũng như không. Đơn cử như việc làm thủ tục mua bán nhà đất hiện nay. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị việc làm thủ tục mua bán nên qua xác nhận bước đầu của trưởng khu dân cư, để trưởng khu nắm được tình hình nhưng đến nay việc này vẫn không được cải thiện. Nhiều nhà, đất qua 3-4 lần sang tên, đổi chủ nhưng trưởng khu không hề biết, nên việc thu thuế nhà, đất cuối năm gặp nhiều khó khăn vì không rõ chủ nhân thực sự của mảnh đất trên địa bàn mình quản lý là ai.
Theo tôi để nâng cao hiệu quả giám sát của đại biểu HĐND cấp xã, ngoài việc đại biểu HĐND nâng cao ý thức trách nhiệm, tự tin trong giám sát cũng cần có cơ chế phù hợp để các kiến nghị sau giám sát của đại biểu HĐND, của Thường trực HĐND cấp xã được thực thi nghiêm túc.
CHỬ THỊ SENĐại biểu HĐND phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương)
Nâng cao chất lượng giám sát qua chất vấn và trả lời chất vấn
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp xã cũng là một hình thức giám sát. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp xã còn một số hạn chế. Người chất vấn nhiều khi chất vấn không sát, không tập trung vào các vấn đề bức xúc, nhiều cử tri ở địa phương quan tâm, đôi khi còn nể nang, ngại va chạm trong chất vấn. Người trả lời chất vấn còn trả lời dàn trải, chưa đi vào trọng tâm và thường đổ lỗi cho khách quan.
Theo tôi, để nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa điều hành kỳ họp cần nâng cao vai trò điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; cần gợi ý những nội dung trọng tâm, lựa chọn vấn đề chất vấn bảo đảm tính thời sự, bức xúc, có tính khái quát cao, được nhiều người dân quan tâm. Mỗi đại biểu HĐND nên tham gia đầy đủ các lần tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, làm cơ sở cho việc chất vấn đúng trọng tâm và có chất lượng. Người trả lời chất vấn nên trả lời ngắn gọn rõ ràng, đầy đủ nội dung theo yêu cầu đặt ra, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục khả thi kèm theo. Những vấn đề mới phát sinh, khó giải quyết, người chất vấn và trả lời chất vấn cần có thông tin trước với nhau nhằm tìm chứng cứ, lý do để trả lời trọng tâm, đạt kết quả cao.
HOÀNG VĂN DỤNG(khu 5, thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn)
|
|