Thời gian gần đây, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) có chủ trương chuyển các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ tạm thôn Nhân Lư (còn gọi là chợ Chiều) về chợ Cháy, khiến nhiều người dân, tiểu thương bức xúc.
Chợ tạm thôn Nhân Lư đã lùi sâu vào 5 m tính từ mép đường 390B để bảo đảm an toàn giao thông
Chợ Chiều hình thành từ năm 1990, hiện có khoảng 40 hộ kinh doanh, buôn bán thường xuyên tại đây. Chợ phục vụ trên 4.000 người dân trong thôn (chiếm khoảng 50% số dân của xã) và đáp ứng nhu cầu mua bán của một số hộ dân ở các xã lân cận.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ tạm trên chỉ là điểm tập trung mua bán chứ không nằm trong danh mục chợ được xã, huyện công nhận. Ông Lê Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế khẳng định chưa từng có văn bản nào quyết định thành lập chợ này và xã chỉ có chợ Cháy. Một số người dân ở thôn Nhân Lư cho biết không có văn bản quyết định thành lập chợ mà chỉ có biên bản bàn giao chợ Chiều cho thôn Nhân Lư quản lý. Biên bản này do ông Tiêu Hà Truy, nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế ký năm 2010.
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, ngày 11.4, các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ tạm đã chuyển về chợ Cháy hoạt động. Thời gian này, một số tiểu thương ở chợ Cháy làm đơn đề nghị UBND xã Cẩm Chế chuyển các hộ kinh doanh ở chợ tạm về chợ Cháy hoạt động với lý do để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng hoạt động thương mại ở chợ chính của địa phương.
Ông Phương cho biết UBND xã xét thấy đơn của các tiểu thương chợ Cháy có lý nên Đảng ủy xã đã họp ra Nghị quyết số 106-NQ/ĐU ngày 17.4 về việc dồn hoạt động mua bán ở chợ Chiều về chợ Cháy. Xã đã báo cáo UBND huyện Thanh Hà và được đồng ý chủ trương. Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, toàn huyện có 12 chợ được công nhận, chợ tạm thôn Nhân Lư không nằm trong danh mục chợ được công nhận của huyện. Huyện đồng ý với chủ trương trên của xã Cẩm Chế, giao cho xã giải quyết theo thẩm quyền, thực hiện đúng theo Kế hoạch số 10/KHGT-BATGT ngày 23.4 của Ban ATGT huyện Thanh Hà về việc giải tỏa hành lang ATGT, bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp lễ 30.4, 1.5.
Sau đó, UBND xã Cẩm Chế đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND bảo đảm trật tự, ATGT, giải tỏa dứt điểm các điểm chợ cóc, chợ tạm..., trong đó có giải tỏa vi phạm hành lang ATGT tại khu vực chợ Chiều.
Khi biết được chủ trương của xã, nghe trên loa truyền thanh có nội dung giải tỏa chợ Chiều, trong 2 ngày 29 và 30.4, nhiều người dân thôn Nhân Lư đã kéo ra đường, đến trụ sở UBND xã phản đối việc "xóa" chợ.
Chị Cao Thị Huế, tiểu thương ở chợ tạm thôn Nhân Lư cho biết lý do phản đối vì xã không lấy ý kiến nhân dân, chỉ giải quyết một vế theo đơn đề nghị của các tiểu thương chợ Cháy. Nếu đến chợ Cháy hoạt động, tiểu thương sẽ phải nộp phí. Hơn nữa cơ sở vật chất hạ tầng của chợ Cháy chưa bảo đảm cho các hộ kinh doanh đến hoạt động. Ngoài ra, trong đơn của tiểu thương chợ Cháy có ghép ảnh người dân trong thôn bị tai nạn tại khu vực chợ tạm để phản ánh việc chợ mất ATGT. Về việc này, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phương cũng khẳng định qua xác minh, đơn phản ánh là sai sự thật.
Theo bà Tiêu Thị Tùng ở thôn Nhân Lư, chợ tạm đã gắn bó với người dân thôn Nhân Lư, là nơi mưu sinh của nhiều người, trong đó có nhiều cụ già trong thôn. Chợ này cách chợ Cháy khoảng 800 m, nếu chuyển về chợ Cháy người dân mua bán phải đi xa hơn, mất tiền vé gửi xe, chợ chỉ bán vào buổi sáng, không thuận tiện.
Còn ông Nguyễn Văn Thay ở thôn Nhân Lư cho biết nhiều đảng viên trong thôn đã đề nghị với lãnh đạo xã để nhân dân đối thoại trực tiếp nhưng không được. Ông Phí Ngọc Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nhân Lư cho biết ngày 1.5, thôn tổ chức họp chi bộ và 100% số đảng viên thống nhất không di chuyển chợ Chiều về chợ Cháy, chỉ giải tỏa vi phạm hành lang ATGT.
Trước tình hình trên, UBND xã Cẩm Chế đành chấp nhận chỉ giải tỏa hành lang ATGT khu vực chợ Chiều và không thực hiện dồn các hộ kinh doanh ở đây về chợ Cháy. Từ ngày 3-5.5, lực lượng chức năng của UBND xã đã đo từ mép đường tỉnh 390B vào trong 5 m, hỗ trợ máy xúc để giải tỏa hành lang ATGT tại chợ Chiều. Các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ Chiều cũng tự tháo dỡ phần vi phạm hành lang ATGT, đóng góp kinh phí đổ bê tông nền chợ. Hiện chợ đã hoạt động ổn định trở lại và không còn vi phạm hành lang ATGT.
Ông Đặng Văn Long, Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Chế xác nhận có sự việc trên. Việc dồn chợ Chiều về chợ Cháy để chợ Cháy hoạt động sầm uất hơn và do đơn đề nghị của một số tiểu thương chợ Cháy. Ông Long và ông Phương đều khẳng định việc xã không lường trước được sự việc diễn biến phức tạp đến thế. Lẽ ra phải lấy ý kiến nhân dân trước vài tháng, nếu đồng thuận thì mới ra nghị quyết và tiến hành việc dồn chợ. Nhận thấy sự việc diễn biến phức tạp nên xã đã điều chỉnh nghị quyết cho phù hợp.
HOÀNG HÀ