Phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng được nhiều đại biểu đánh giá là một phương thức quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Các đại biểu Hải Dương tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanhNợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả... là những vấn đề được nhiều đại biểu nêu trong phiên thảo luận này.
Phân tích thực trạng được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị năm 2017 phải siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì dự báo năm 2017 phấn đấu tăng trưởng GDP là 6,7%. Theo đó nợ công dự báo là 64,8%, nợ Chính phủ 53,3% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47,4%. Chính phủ đề nghị QH phê duyệt năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 nợ công tương ứng là 65, 55 và 50% theo đại biểu là không đúng với quan điểm siết chặt nợ công, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị QH không chỉ siết chặt trần nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công. Đại biểu đề xuất nợ công không quá 65% GDP, đến năm 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ không quá 53% GDP, đến năm 2020 không quá 50% GDP; nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, đến năm 2020 không quá 47% GDP.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh và rà soát các quy định không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh để trình QH sửa đổi, đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi và sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời theo đại biểu cần tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyến nghị của doanh nghiệp.
Dự án đắp chiếu, tỉnh thành bãi rácPhát triển kinh tế vùng và liên kết vùng được nhiều đại biểu đánh giá là một phương thức quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhìn nhận việc liên kết vùng hiện nay còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau. Một số nơi là sự ghép nối cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản mà chỉ trên tinh thần tự nguyện, các cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài bảo đảm sự thực hiện lâu dài.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng quy hoạch phát triển vùng thì Nhà nước phải là chủ thể để quy hoạch tổng thể chứ không để các địa phương tự làm kiểu “trăm hoa đua nở”, dẫn đến việc quy hoạch đầu tư dàn trải, thiếu tính đồng bộ, liên thông, gây thất thoát lãng phí.
Đại biểu Thưởng dẫn chứng: Do đánh giá không đầy đủ nên dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học ethanol Phú Thọ được khởi công cuối năm 2008, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010 với tổng đầu tư 1.385 tỷ đồng, qua 4 lần điều chỉnh, mức đầu tư lên tới 2.484 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Không chỉ dự án lãng phí, nguy cơ đắp chiếu, đại biểu Thưởng còn bày tỏ mối lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng.
Theo đại biểu Thưởng, tại tỉnh Phú Thọ có Công ty TNHH môi trường Phú Hà ở huyện Phù Ninh gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đây là nhà máy được cấp phép nằm ở thượng nguồn sông Lô, ban đầu được tỉnh cấp giấy phép thu gom, xử lý chất thải của tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, về sau công ty này lại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền Trung... mà không có ý kiến của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ.
Việc vận chuyển chất thải nguy hại của Công ty TNHH Phú Hà với các tỉnh là không thể kiểm soát được, trong đó có cả chất thải của Formosa đưa ra trong thời gian rất dài. "Công ty tiếp nhận chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước, nếu xử lý không nghiêm thì nguy cơ ô nhiễm trầm trọng, Phú Thọ sẽ thành bãi chứa chất thải của cả nước. Vì thế đề nghị Chính phủ cho kiểm tra dự án này và điều chỉnh dự án theo nguyên tắc chất thải của địa phương nào thì xử lý địa phương đó, trừ trường hợp đặc biệt", đại biểu Thưởng nói.
Ngày 3-11, QH làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các nội dung trên.
TTXVN - TT
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương):
Xem xét lại chỉ tiêu về xử lý nước thải khu công nghiệp
Qua báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, chúng ta thấy rõ cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, nội lực kinh tế còn yếu, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp, doanh nghiệp tư nhân yếu cả ba mặt về tài chính, kiến thức quản lý và điều hành cũng như về hội nhập. Chi ngân sách lớn gây áp lực cho chính sách ngắn hạn và dài hạn, chính sách phát triển nội lực kinh tế chưa thỏa đáng, giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát thuốc trừ sâu, tình hình ô nhiễm môi trường... gây nhiều bức xúc trong cử tri.
Trước những hạn chế, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, phân tích sâu sắc hơn nữa những yếu tố bền vững của nền kinh tế, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu năm 2017 và bổ sung thêm cho mục tiêu về giải pháp, về xây dựng chính quyền, tổ chức bộ máy, nâng cao khả năng dự báo và hiệu quả phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Về chỉ tiêu 12 trong 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị Chính phủ cần xem xét tại sao chúng ta lại đưa ở mức 87% với các việc xử lý nước thải ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, bởi vì theo quy định trước khi phê duyệt thẩm định thì các bộ và cơ quan Trung ương, bộ chủ quản đã phải thẩm định có các hệ thống xử lý nước thải rồi thì chúng ta mới xây dựng. Bây giờ chúng ta đưa ra chỉ tiêu này có phù hợp hay không, vấn đề này đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ chủ quản có liên quan xem xét.
Hai là, phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương để tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của địa phương, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai và minh bạch.
Ba là, tập trung nguồn lực, chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh nội lực của kinh tế, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI. Cần có giải pháp chính sách cụ thể để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp.
Bốn là, về lĩnh vực công nghiệp cần phân tích rõ tại sao nền công nghiệp nước ta qua rất nhiều năm chưa tạo được tính chủ động trong nền kinh tế, chủ yếu vẫn lắp ráp, gia công; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển công nghiệp phụ trợ. Có chính sách bảo đảm cho việc đào tạo lao động chất lượng cao, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.
Năm là, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hỗ trợ nông nghiệp ở khâu chế biến, tạo sự liên kết thực chất chặt chẽ giữa 4 nhà, giải quyết tốt vấn đề về giá nông sản để không bị ép giá. Tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa và miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân.
Sáu là, có giải pháp đột phá toàn diện nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi dùng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bảy là, tôi đề nghị Chính phủ trong 5 nhiệm vụ trọng tâm có nói về vấn đề phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Đề nghị Chính phủ cần bổ sung giải pháp về phát triển ngành du lịch, mặc dù chúng ta đã có đề án nhưng trong Báo cáo của Chính phủ, dự kiến của Chính phủ chỉ dành một dòng về phát triển ngành du lịch.
|