Được xác định là nhiệm vụ then chốt, trong 20 năm qua, công tác xây dựng Đảng của tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong 20 năm qua, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng luôn được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo. Ảnh: PV
Phát triển tổ chức đảng và đảng viênTrước năm 1997, công tác xây dựng Đảng của tỉnh được đánh giá là chậm đổi mới, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. Việc kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng ở một số địa phương còn khó khăn. Toàn tỉnh còn 34 cơ sở yếu kém từng mặt, trong đó có 1 cơ sở còn có vấn đề phức tạp.
Ngay sau khi tái lập tỉnh, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng được quan tâm chỉ đạo. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm đẩy mạnh việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Nổi bật là thực hiện đề án sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức đảng ở các loại hình, mô hình chi bộ có đông đảng viên và thôn, khu dân cư có nhiều chi bộ; ban hành Chỉ thị số 13 về việc "Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới"; đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh...
Bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp trên 2.500 đảng viên, cao hơn thời kỳ tỉnh Hải Hưng.
|
|
Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ đó đã đem lại kết quả tích cực. Năm 1997, Đảng bộ tỉnh có 778 tổ chức cơ sở đảng với trên 74.000 đảng viên, đến nay, đã có 795 tổ chức cơ sở đảng với trên 102.000 đảng viên. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp trên 2.500 đảng viên, cao hơn thời kỳ tỉnh Hải Hưng. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh năm 1997 là 60%, đến năm 2015 đạt 78%; từ năm 2013 đến nay không còn cơ sở đảng yếu kém. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Trong 20 năm qua, công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm thực hiện đồng bộ ở các khâu. Các cấp uỷ đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của Trung ương, của Tỉnh uỷ. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai và đúng quy chế; việc nhận xét, đánh giá cán bộ được duy trì thường xuyên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện nền nếp. Tỉnh ta đã triển khai thực hiện một số chủ trương của Trung ương về công tác cán bộ như: thí điểm mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã; tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cấp huyện để luân chuyển, đào tạo cán bộ; từng bước thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương. Công tác quản lý, kiểm tra và giám sát cán bộ được tăng cường…
Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởngViệc tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy được tiến hành nghiêm túc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Tổ chức các hội nghị trực tuyến giúp việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cơ sở nhanh chóng, kịp thời, trực tiếp, đầy đủ và thống nhất. Công tác thông tin, tuyên truyền, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội được thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng. Trong xử lý các điểm nóng, các vụ việc phức tạp, kéo dài của địa phương, hệ thống tuyên giáo các cấp đã tích cực vào cuộc.
Công tác tư tưởng từng bước được đổi mới thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới. Việc triển khai một cách sáng tạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau đó là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và mới đây là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Siết chặt kỷ luật ĐảngCông tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có sự chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên coi trọng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc các cuộc kiểm tra theo chương trình toàn khóa, hằng năm. Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào việc chấp hành Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết, quy chế của Đảng và các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề được tổ chức đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã góp phần phát hiện và ngăn ngừa nhiều vi phạm, có tác dụng giáo dục đối với nhiều đảng viên.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức đảng và đảng viên kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài; cơ bản bảo đảm thời gian, đúng trình tự, thủ tục. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục.
Công tác dân vận được quan tâm và có nhiều đổi mới. Nhiều mô hình dân vận khéo đã góp phần tích cực giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết kịp thời, hạn chế phát sinh điểm nóng, nổi cộm tại cơ sở. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo, đạt một số kết quả quan trọng.
MAI DUYÊN