Không nằm trong danh sách những địa phương về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 nhưng Thanh Quang tìm nhiều biện pháp để hoàn thành mục tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Thảo (bên phải), Chủ tịch UBND xã Thanh Quang có nhiều sáng kiến trong xây dựng
nông thôn mới, được người dân địa phương ghi nhận
Mặc dù xã Thanh Quang (Nam Sách) không nằm trong danh sách những địa phương về đích xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1 nhưng trong quá trình xây dựng xã nhận thấy có nhiều khả năng hoàn thành nên đã đăng ký với huyện và tìm nhiều biện pháp để hoàn thành mục tiêu. Có được những thành quả đó, ngoài sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân dân trong xã Thanh Quang thì vai trò đầu tàu, gương mẫu của ông Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã được nhiều người nhắc tới.
Trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương, ông Thảo đã có nhiều sáng tạo được Đảng ủy, UBND xã và nhân dân ủng hộ. Trước hết, ông đã đưa ra lộ trình thực hiện các tiêu chí phù hợp với thực tế. Những tiêu chí cần ít vốn thực hiện trước, tiêu chí khó làm sau, dần dần từng bước một. Bên cạnh vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa thôn... Với cách làm như vậy đến năm 2015, xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, sớm 5 năm so với kế hoạch.
Năm 2013, khi sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm, ông Thảo thấy cả một tuyến kênh dài nhưng họ không kiên cố hóa hết mà chừa một phần kênh đất. Tìm hiểu ra ông mới biết nước trong kênh bằng bê tông dễ bốc hơi hơn kênh đất, phần kênh đất này có nhiệm vụ trữ nước, khi máy chưa kịp bơm nước thì nông dân vẫn có nước dùng. Khi ông đưa vấn đề này ra cuộc họp, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có người phản đối vì cho rằng cả một tuyến kênh được đổ bê tông tự nhiên lại có đoạn kênh đất thì không đẹp. Sau khi nghe ông Thảo phân tích cái thiệt, cái hơn của việc làm trên, đông đảo mọi người đã ủng hộ. Vì thế hiện nay ở xã Thanh Quang cứ 600-700 m kênh bê tông lại có 100 m kênh đất.
Đặc điểm của xã Thanh Quang là dân cư phân bố không đều nên nếu để các thôn tự làm đường thì những thôn ít dân sẽ khó thực hiện được. Ông Thảo đã đề xuất và được lãnh đạo cũng như nhân dân đồng ý phương án xã sẽ thu 1 mức chung là 600.000 đồng/sào (thu trong 6 vụ) đối với tất cả những hộ có ruộng, sau đó xã đứng ra làm chủ đầu tư. Đến nay, xã đã làm được gần 4 km đường trục chính nội đồng. Đường đi, lối lại, nước tưới tiêu thuận lợi nên việc dồn điền, đổi thửa ở xã rất dễ dàng, không gặp phải sự phản đối. Hiện mỗi hộ dân ở đây chỉ còn gần 2 thửa ruộng, giảm gần 1 thửa/hộ so với trước đây.
Bên cạnh vốn hỗ trợ của cấp trên, sự chủ động của xã, nguồn đóng góp của nhân dân, ông Thảo còn tích cực tìm nguồn hỗ trợ từ các nơi. Năm 2012, ông đã đặt vấn đề và được Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam hỗ trợ 500 triệu đồng; Công ty TNHH Hà Bình, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng đóng trên địa bàn xã ủng hộ kinh phí sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ xã, xây nhà văn hóa thôn Lê Hà, làm sân nhà văn hóa thôn Linh Khê. Ông Thảo và gia đình cũng gương mẫu trong đóng góp xây dựng các công trình. Vừa qua, xóm Trại (thôn Linh Khê), nơi gia đình ông sinh sống làm lại đường, ngoài việc đóng góp theo định mức, gia đình ông còn ủng hộ 25 triệu đồng.
Ông Thảo luôn tâm niệm không thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà phải thường xuyên nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Thời gian tới, ông tiếp tục đề xuất, vận động doanh nghiệp cũng như nhân dân mở rộng chợ Rồng, mở rộng các trường để đạt được chuẩn mức độ 2, mở rộng sân chơi thể thao của một số thôn. Đặc biệt, ông đang đề xuất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại địa phương để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Ông Lâm Phúc Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Quang cho biết: "Trong công việc, anh Thảo là người có nhiều sáng kiến, đồng thời có tầm nhìn xa và quyết định kịp thời nên được cán bộ xã và nhân dân tin tưởng, ủng hộ".
THANH HÀ