Sáng 18.8, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, tấm gương về đại đoàn kết toàn dân tộc".
Sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2023), nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện nêu rõ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ những năm 1910 và trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong ở Việt Nam.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao đảm nhiệm các trọng trách như: Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Quyền Trưởng Ban (1946 - 1955), rồi Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1955 - 1960); Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960 - 1969); Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1980); Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên - Việt (1951 - 1955), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 - 1977)... Ở cương vị nào, ông cũng nêu tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, tận tụy, phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại Tọa đàm, các tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên các phương diện: Người chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc; Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước, người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các ý kiến nhấn mạnh, Bác Tôn - tên gọi trìu mến, thân thương của nhân dân dành cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng - luôn tin tưởng tuyệt đối vào con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, là người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã có hơn 20 năm (1946 - 1969) sống và làm việc gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là "người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn giáo dục, cổ vũ việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trọn cuộc đời đồng chí đã nêu gương sáng về học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Trong công việc và cuộc sống thường ngày, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tinh thần khiêm nhường, giản dị, gần gũi với đồng chí, đồng bào. Tấm gương đạo đức trong sáng của ông mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.
Tọa đàm khoa học là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời góp phần thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo TTXVN