Tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng 13.5.1975 ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Người cộng sản kiên cường
Đồng chí Tôn Ðức Thắng sinh ngày 20.8.1888 trong một gia đình nông dân ở cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang). Đồng chí Tôn Đức Thắng thuộc lớp công nhân đầu tiên ở nước ta và cũng là lớp công nhân đầu tiên giác ngộ chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1920, đồng chí cùng với những người bạn chiến đấu thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Năm 1925, với việc lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, đồng chí đã góp phần mở ra quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát lên tự giác. Năm 1927, gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng với trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Đồng chí đã vượt qua 17 năm đày ải khốc liệt trong địa ngục trần gian của nhà tù thực dân với tinh thần bất khuất, tỏ rõ khí phách vàphẩm chất kiên trung của người cộng sản. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã biến ngục tù thành nơi luyện ý chí đấu tranh, thành trường học cộng sản.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, được trở về đất liền, đồng chí được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam Bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước... Đồng chí là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích thống nhất của Tổ quốc và trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngọn cờ đoàn kết
Từ đầu năm 1946, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giao nhiệm vụ tổ chức Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam với trọng trách là Phó Hội trưởng. Hội Liên Việt ra đời đã mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc, góp phần tạo ra hậu thuẫn chính trị to lớn, bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Là người được tin tưởng gánh vác trách nhiệm Hội trưởng Hội Liên Việt sau khi cụ Hội trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời (năm 1947), từ năm 1948, đồng chí Tôn Đức Thắng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thống nhất Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh. Tháng 3.1951, Mặt trận Liên Việt ra đời trên cơ sở thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt. Đồng chí Tôn Đức Thắng là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Đây là bước phát triển mới của khối đại đoàn kết dân tộc và là cơ sở chính trị để Đảng ta đưa cuộc kháng chiến trường kỳ sang giai đoạn mới. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta ở Điện Biên Phủ năm 1954 là kết quả của sự thống nhất và lớn mạnh không ngừng của các lực lượng cách mạng nước ta, của khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Liên Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng và phát triển là đồng chí Tôn Đức Thắng.
Tháng 9.1955, Mặt trận Liên Việt được tổ chức thành MTTQ Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tiếp tục được tín nhiệm giữ trọng trách này qua các Đại hội lần thứ II (năm 1961), lần thứ III (năm 1971) của MTTQ Việt Nam. Tháng 9.1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có đóng góp quan trọng trong việc thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc ở miền Nam với Cương lĩnh thích hợp trên cơ sở Cương lĩnh của MTTQ Việt Nam. Tháng 12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với cương lĩnh đúng đắn đã tạo ra sức mạnh chính trị mới thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 2.1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã thống nhất các tổ chức mặt trận ở nước ra thành MTTQ Việt Nam. Với uy tín và những cống hiến xuất sắc trong quá trình xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, mặc dù tuổi cao, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn được tôn vinh là Chủ tịch danh dự của MTTQ Việt Nam cho tới khi qua đời (năm 1980).
Theo TTXVN