Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản sẽ ra tòa ngày 10.8

25/07/2023 14:15

Chủ tịch 73 tuổi của tập đoàn Mường Thanh ra tòa với cáo buộc chỉ đạo xây trái phép một tòa nhà và nhiều căn hộ tại quận Hà Đông, quảng cáo gian dối lừa gần 500 người mua.

Ông Lê Thanh Thản bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Hà Nội truy tố về tội Lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Ông bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ 4 năm trước, ngày 5.7.2019.

Cùng ra toà với ngày 10.8 với ông Thản có sáu người bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, gồm: ông Nguyễn Duy Uyển (cựu chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông) và Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm.


Ông Lê Thanh Thản

Cáo trạng xác định, ông Thản nắm 90% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes. Năm 2000, Bemes ký hợp đồng thuê đất với Sở địa chính Hà Tây cũ để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Sau khi thay đổi chủ trương, năm 2008 Bemes được UBND Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án CT6 Kiến Hưng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Theo quy hoạch, trên 17.000 m2 đang quản lý, công ty của ông Thản được xây nhà cao 31 tầng, hai tầng hầm trên phần đất hơn 5.500 m2. Trong đó tầng 2-4 là trung tâm thương mại, tầng 5-31 tách thành hai toà tháp chung cư cao cấp và khách sạn.

Khối nhà thấp tầng trên diện tích hơn 1.000 m2, Bemes được xây 15 căn nhà cao 3 tầng. Giữa năm 2010, Công ty Bemes nhiều lần xin điều chỉnh một số quy hoạch nhưng không được nhà chức trách đồng ý.

VKS cáo buộc ông Thản sau đó vẫn chỉ đạo thi công sai quy hoạch, xây dựng vào chỉ giới đường đỏ khiến "vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng".

Với khu nhà cao tầng, ông tăng diện tích tầng hầm từ 5.762 lên 6.817 m2, toà tháp A tăng từ 1.108 lên 2.428 m2, tháp B từ 1.099 lên 1.928 m2 và giảm một tầng hầm, thêm một tầng penhouse; bỏ xây nhà trẻ 718 m2.

Toà tháp B thay đổi từ chức năng khách sạn thành căn hộ ở; xây dựng 495 phòng khách sạn thành 1.582 căn hộ. Ông chỉ đạo xây thêm một toà CT6C không nằm trong phê duyệt với 438 căn hộ.

Khối nhà thấp tầng diện tích được phê duyệt là hơn 1.600 m2 để xây 15 căn hộ cao 3 tầng. Tuy nhiên, ông Thản đã chỉ đạo xây dựng trên hơn 2.800 m2 với 38 căn hộ cao tầng. Hơn nữa, toàn phần diện tích quy hoạch xây dựng nhà trẻ đã chuyển đổi thành các căn hộ thấp tầng.

Từ tháng 3/2011, ông Thản bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, "đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật". Việc này nhằm mục đích để khách hàng tin tưởng ký hợp đồng mua bán căn hộ với Bemes, nộp tiền theo tiến độ thi công.

Trên hợp đồng mua bán căn hộ, ông Thản với danh nghĩa là Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng. Ông cam kết hồ sơ dự án đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ đúng quy định về xây dựng và sẽ hỗ trợ bên mua làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Theo cáo trạng, dự án CT6 Kiến Hưng có 1.620 căn hộ. Sau khi bán nhà cho khách hàng, Công ty Bemes cùng phối hợp thực hiện và đã được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ cho 916 căn hộ chung cư, 18 nhà thấp tầng. Còn lại 483 căn hộ của toà tháp CT6C và 82 căn hộ khác chưa được cấp sổ.

Cảnh sát đã làm việc với 488/520 khách hàng mua nhà tại dự án của ông Thản và xác định số tiền họ phải bỏ ra để mua 488 căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ là hơn 534 tỷ đồng. Trừ đi 53 tỷ đồng đã nộp thuế, VKS xác định ông Thản thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng; thiệt hại gây ra cho 488 khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ đỏ là 53 tỷ đồng.

Ông Thản đề nghị xem xét lại số tiền thu lời bất chính, bởi phải đầu tư chi phí để xây dựng công trình CT6C hết 632 tỷ đồng. Nhưng VKS cho hay toà nhà này ông chỉ đạo xây dựng sai quy hoạch nên không có căn cứ trừ chi phí xây dựng dự án.

Tại cơ quan điều tra, 488 khách hàng mua nhà mà không được cấp sổ đỏ khai, khi ký hợp đồng mua bán họ không biết căn hộ xây sai quy hoạch. Họ mua nhà đều "do tin tưởng ông Thản". Ngoài các bị hại đề nghị hỗ trợ được cấp sổ đỏ, 6 người yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền mua nhà với tổng cộng 7 tỷ đồng.


Toà CT6C xây dựng không nằm trong quy hoạch

Theo VKS, ông Thản khai do nóng vội nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Ông có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án. Một là chấp nhận xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Hai là tự thoả thuận với người mua nhà tại CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 (cũng do ông Thản làm chủ). Ba là tự thoả thuận với cư dân CT6C để mua lại căn hộ hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ.

Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án thoả thuận với khách hàng để trả lại tiền hoặc mua lại nhà sau đó tự phá dỡ phần sai phạm. Tuy nhiên đến nay, Công ty Bemes chưa thoả thuận được với khách hàng nên ông Thản đã đề nghị ngân hàng bảo lãnh 530 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Về dân sự, VKS đề nghị buộc ông Thản phải trả lại 7 tỷ đồng cho 6 hộ dân và nhận lại các căn hộ này tại CT6C đã bán cho khách hàng. Với các bị hại yêu cầu cấp sổ đỏ, VKS đề nghị tách ra để giải quyết theo dân sự khi có yêu cầu.

Để xảy ra sai phạm, VKS cho rằng còn có sự thiếu trách nhiệm của nhóm cựu cán bộ phường Kiến Hưng và thanh tra xây dựng quận Hà Đông. Suốt quá trình dự án CT6 Kiến Hưng xây dựng sai quy hoạch, nhóm cán bộ phường và thanh tra quận đã không thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn.

Xác minh tại UBND phường Kiến Hưng và thanh tra xây dựng quận Hà Đông, cảnh sát không thấy bất kỳ tài liệu, hồ sơ kiểm tra hay phiếu đề xuất xử lý nào với dự án.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản sẽ ra tòa ngày 10.8