Những đóng góp để Hội Luật gia huyện Thanh Miện hoạt động tốt như ngày nay có công lớn của Chủ tịch hội Phạm Văn Khuông.
Ông Khuông luôn sẵn sàng xuống cơ sở tư vấn pháp luật cho người dân
Vài năm gần đây, Hội Luật gia huyện Thanh Miện đã trở thành điểm đến của nhiều người dân có thắc mắc liên quan đến pháp luật. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của Chủ tịch hội Phạm Văn Khuông.
Xốc lại hoạt động hộiTháng 10-2010, tại Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015 Hội Luật gia huyện Thanh Miện, ông Khuông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội. Khi đó, Chủ tịch Hội Luật gia không có phụ cấp. Vì vậy, nhiều người bảo ông "điên". Bởi ngay sau khi nghỉ hưu, với kiến thức của mình ông có thể mở văn phòng luật sư. Lúc đó trên địa bàn huyện không có luật sư mà nhu cầu thuê luật sư của nhân dân khá lớn. Ông Khuông cho biết: "Điều tôi tâm đắc nhất ở tấm gương của Bác là lối sống giản dị, tôn trọng dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Vì vậy, dù biết là công tác tại Hội Luật gia không có phụ cấp nhưng tôi vẫn sẵn sàng nhận".
Với suy nghĩ đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Khuông bắt tay "xốc" lại hoạt động của hội. Trước đây, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia huyện Thanh Miện không cao. Tuy 100% số xã, thị trấn có Chi hội Luật gia nhưng có những chi hội chỉ có 3-4 hội viên. Lãnh đạo hội đều kiêm nhiệm. Khắc phục hạn chế này, Ban Chấp hành Hội Luật gia huyện đã ra nghị quyết về việc kết nạp hội viên, giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi hội; đồng thời quy định hội cấp xã 3 tháng họp kiểm điểm và có báo cáo hoạt động hằng quý gửi về Huyện hội. Thường trực Huyện hội mỗi tháng họp 1 lần để đánh giá kết quả hoạt động nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề nhân dân cần tư vấn để có kế hoạch hoạt động phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Hằng năm, Huyện hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức ít nhất 1 buổi tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho hội viên. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã kết nạp thêm được 102 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 299 người. Hoạt động của hội cũng đi vào thực chất hơn.
Nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dânÔng Khuông cho biết: "Làm công tác tư vấn pháp luật mà không hiểu rõ, nắm không vững các quy định của pháp luật dẫn đến tư vấn sai cho nhân dân thì không phải là giúp dân mà là hại dân". Vì vậy, ông tìm mua các đầu sách về pháp luật, chịu khó nghe đài, đọc báo, truy cập in-tơ-nét để tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các luật, bộ luật mới ban hành, sửa đổi, đặc biệt là những quy định chính sách liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân như: chính sách người có công, người nghèo, bảo hiểm y tế, đất đai, hôn nhân và gia đình... Ông cũng trăn trở, tìm nhiều cách để có thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo nhân dân. Năm 2012, ông Khuông phối hợp với Đài Phát thanh huyện trả lời các thắc mắc liên quan đến pháp luật của người dân trên sóng phát thanh. Chương trình của ông phát sóng vào sáng thứ 2 hằng tuần. Từ đó đến nay, dù ngày thứ 7 chủ nhật có bận gì ông cũng cố gắng thu xếp để chuẩn bị nội dung chương trình phát sóng đúng lịch, không "nợ" người dân câu trả lời. Không chỉ tư vấn cho người dân trên sóng phát thanh, tại trụ sở Hội Luật gia huyện, ông còn sẵn sàng đi tư vấn pháp luật tại các xã khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, khó khăn.
Năm 2004, anh Lê Văn Nhung ở thôn Bích Thủy, xã Hồng Quang ký hợp đồng xây dựng kênh mương với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã trị giá 156 triệu đồng. Trong quá trình làm, Chủ nhiệm HTX ký hợp đồng với anh Nhung chuyển công tác khác, trong khi HTX vẫn còn nợ anh 28 triệu đồng nhưng không bàn giao số nợ trên cho người kế nhiệm. Do đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Quang không trả số nợ này. Anh Nhung làm đơn kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng của huyện nhưng không được giải quyết. Đầu năm 2012, anh đến văn phòng Hội Luật gia huyện nhờ ông Khuông tư vấn. Ông Khuông hướng dẫn anh về lấy xác nhận của chủ nhiệm HTX mới là không được nhận bàn giao số nợ trên từ Ban chủ nhiệm cũ. Ông Khuông trả lời vấn đề của anh Nhung trên Đài Phát thanh huyện và quy trách nhiệm cho chủ nhiệm HTX cũ về số tiền trên. Sau đó, chủ nhiệm HTX cũ đã thanh toán số tiền còn nợ cho anh Nhung.
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Thanh làm đơn gửi Tòa án Nhân dân huyện Thanh Miện tố cáo chị gái là Nguyễn Thị Giỏi với nội dung: đầu năm 2013, chị Thanh đưa cho chị Giỏi 300 triệu đồng nhờ mua đất, mua vật liệu xây nhà. Theo tính toán của chị Thanh, tổng số tiền mua chỉ hết khoảng 150 triệu đồng. Số tiền còn lại, chị Giỏi không trả cho chị Thanh mà giữ lại chi tiêu. Chị Giỏi đã đến nhờ ông Khuông tư vấn. Ông Khuông đề nghị chị Giỏi về thu thập các hóa đơn, giấy tờ mua bán đất, vật liệu xây dựng... cung cấp cho tòa án, chứng minh mình không chiếm đoạt tiền của em gái. Sau khi nhận được chứng cứ do chị Giỏi cung cấp, tòa án đã gọi cả 2 chị em lên hòa giải. Chị Giỏi cho biết: "Nếu không nhờ ông Khuông tư vấn, tôi cũng không biết phải làm thế nào để chứng minh sự trong sạch của mình và giữ được tình chị em".
Nhờ có kiến thức pháp luật vững vàng, từ khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Luật gia huyện, ông Khuông đã tư vấn hàng trăm vụ việc. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, ông đã tư vấn trực tiếp cho 187 lượt người tại văn phòng hội, trả lời 106 lượt câu hỏi trên Đài Phát thanh huyện, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, giữ vững ổn định ở cơ sở.
HẢI ĐĂNG