Chủ tịch Hồ Chí Minh với những năm Dậu đầy ấn tượng

29/01/2017 18:05

Nhân dịp mừng Đảng, đón Xuân Đinh Dậu, cùng nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng hết sức gian khó nhưng rất đỗi vẻ vang của Bác Hồ qua các năm Dậu đầy ấn tượng.


Nhân dịp mừng Đảng, đón Xuân Đinh Dậu – 2017 và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hãy nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng hết sức gian khó nhưng rất đỗi vẻ vang của Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta qua các năm Dậu đầy ấn tượng của Người.

Đầu tiên, phải kể đến là năm Tân Dậu – 1921. Khi đó đất nước chúng ta đang bị bọn thực dân Pháp đô hộ với các chính sách vô cùng tàn độc, nhân dân ta phải sống trong cảnh bị áp bức cùng cực. Là người Việt Nam yêu nước chân chính, Bác Hồ (lúc bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc) đang sống ở nước ngoài mang trong mình ý tưởng cao cả là tìm đường cứu nước, Người đã tỏ rõ thái độ căm thù bọn thực dân, đế quốc đang ức hiếp dã man đồng bào ta, bằng các bài viết thể hiện quan điểm vạch trần tội ác của chúng, như bài có đề “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” đăng trên báo La Vie Ouvrière số 126, ngày 30-9-1921, hoặc bài  “Sự quái đản của công cuộc khai hóa”

Năm Ất Dậu – 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân ta, đó là: nước Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thế giới.

Ngày 10-9-1945 với bút danh Chiến Thắng, Bác Hồ đã viết bài “Chính phủ là công bộ của dân”, đăng trên báo Cứu quốc, số 46  thể hiện quan điểm quan điểm trọng dân, thương dân, gần gũi với nhân dân của Người. Chính tư tưởng sáng suốt này đã làm cho cách mạng Việt Nam biết dựa và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân để đánh bại các cường quốc xâm lược nước ta. Trong sự nghiệp đổi mới đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện quan điểm đúng đắn này để đưa nước ta vững bước tiến lên. Cũng với bút danh Chiến Thắng, trên báo Cứu quốc số 65, ra ngày 12-10-1945, Bác Hồ viết bài nhan đề “Sao cho được lòng dân”.  Theo quan điểm của Bác,  “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.  

Năm Đinh Dậu – 1957. Có thể nói đây là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian cho các hoạt động đối ngoại. Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, Người đi thăm nhiều nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng gần gũi để cảm ơn sự giúp đỡ chí tình đối với chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Đồng thời cũng là dịp tiếp tục tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ quý báu của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện miền Bắc đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt tiếp tục cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, thống nhất đất nước.

Năm Kỷ Dậu – 1969. Thư Chúc mừng năm mới của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân số 5376, ngày 1-1-1969 thể hiện rõ tình cảm yêu quý của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sỹ cả nước mỗi khi Xuân về, Tết đến. Bên cạnh đó, Bác không quên tình nghĩa của các nước đối với nhân dân Việt Nam. Thư chúc mừng này của Bác như là một sự tiên tri chính xác, bằng 6 câu thơ lục bát như sau :

    Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
    Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
    Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Quả thật, chỉ 6 năm sau, ngày 27-1-1973, lính Mỹ phải cút về nước theo Hiệp định Paris; hơn 2 năm sau chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũng sụp đổ vào ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Bắc – Nam sum họp một nhà như sự tiên tri tài tình của Bác.

Đúng dịp Kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-1969) Bác viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân dân, số 5409, ngày 3-2-1969. Bài viết đã trở thành một trong những “siêu phẩm” Bác để lại cho chúng ta, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn còn nguyên giá trị, và chắc chắn sẽ trường tồn vĩnh viễn trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào và chiến sĩ cả nước, của bầu bạn năm châu, bốn biển. Đây là mất mát vô cùng to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, đúng là “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, Bác ra đi đã để lại cho chúng ta Bản Di chúc thiêng liêng vô cùng quý giá, là báu vật quốc gia bất khả xâm phạm, chất chứa nội hàm đầy tính nhân văn, tính lý luận uyên bác… mà mỗi chúng ta suốt đời phải ra sức học tập và làm theo.

MAI MỘNG TƯỞNG

(0) Bình luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh với những năm Dậu đầy ấn tượng