Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội tỉnh Nam Định, ngày 24.4.1957
Tầm nhìn chiến lược
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người mở các lớp đào tạo cán bộ để “ươm mầm” những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người vẫn tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập, “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự” và tham gia mở các lớp đào tạo cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam. Tháng 10.1941, Người giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pắc Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Người trực tiếp tham gia huấn luyện cho các đội viên. Để có tài liệu giảng dạy, Người đã biên soạn các tài liệu quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Kinh nghiệm du kích Nga”…
Đầu tháng 12.1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến để nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng của 3 tỉnh Cao-Bắc-Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích liên tỉnh ủy. Bác chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Nửa tháng sau, Bác gửi một bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, trong đó xác định: phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang là “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”; nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn những đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong hàng ngũ du kích Cao-Bắc-Lạng và tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”; phương châm tác chiến là “vận dụng lối đánh du kích mau lẹ, linh hoạt, bí mật, bất ngờ”.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22.12.1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.
Những ngày đầu mới thành lập, tuy lực lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ nhưng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho trang sử truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; từng bước “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho ngụy nhào”, mà đỉnh cao nhất là cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đến đây, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch quân thù xâm lược, thu non sông đất nước về một mối.
Tiếp tục phụng sự Tổ quốc và nhân dân, những năm sau khi đất nước thống nhất, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng toàn dân liên tục đánh bại các thế lực xâm lược trên các tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần tích cực vào bảo vệ công cuộc lao động hoà bình, ổn định đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh của Tổ quốc.
Người cha thân yêu
Như một người cha chăm sóc đứa con yêu, Bác ngày đêm chăm lo trau dồi bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội, Bác coi đó là yếu tố cơ bản nhất để tạo nên sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân. Người nói "Giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất, mà Đảng vô sản là bộ tham mưu của giai cấp công nhân"(1). Bản chất ấy được thể hiện trên các lĩnh vực chính trị-tư tưởng, tổ chức xây dựng và hoạt động chiến đấu của Quân đội nhân dân. Nói cách khác, toàn bộ đời sống chiến đấu của Quân đội nhân dân đều quán triệt lập trường, quan điểm, ý chí của giai cấp công nhân. Trước hết điều đó thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân là độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, thống nhất nước nhà và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là sự ham muốn tột bậc của Người.
Quân đội nhân dân chiến đấu cho mục tiêu, lý tưởng đó nhằm: giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ, áp bức bóc lột của chế độ phong kiến và của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. "Độc lập dân tộc", "ruộng đất dân cày", tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu cũng là khát vọng lâu đời, cháy bỏng của cả dân tộc. Chiến đấu cho mục tiêu đó Quân đội ta luôn luôn được sự đùm bọc yêu thương, hết lòng ủng hộ giúp đỡ của nhân dân và nhân dân cũng coi quân đội thực sự là con em của mình.
Quân đội ta chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là chiến đấu cho lợi ích của chính bản thân và gia đình mình. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ quyền lợi, hạnh phúc của mình đều gắn bó với sự nghiệp cách mạng, nên chiến đấu với tinh thần tự nguyện, quyết xả thân hy sinh cho thắng lợi của cách mạng, không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào của dân tộc, của giai cấp. Nhờ vậy, Quân đội ta đã không ngừng tạo ra sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất để hoàn thành vẻ vang mọi nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu qua các thời kỳ cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó. Đúng như lời Người nói "Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời với gậy tày, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Lên mười tuổi đã cùng toàn dân giành được thắng lợi lớn Điện Biên Phủ, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức.
Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến và cũng anh dũng trong hòa bình... Quân đội ta cũng đã góp phần tích cực xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa làm tròn nhiệm vụ của một quân đội cách mạng"(2). Và Bác khẳng định "Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục"(3). Đây là nhân tố cơ bản đầu tiên quyết định bản chất giai cấp công nhân của quân đội và là nguồn gốc mọi thắng lợi của quân đội ta.
Trong xây dựng quân đội, Người luôn chăm lo đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Người nói "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là Quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng". "Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm... Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại"(4).
Bác rất quan tâm đến xây dựng con người: từ việc giáo dục, học hành đến cái ăn, cái mặc, cái ở của bộ đội, đặc biệt là của các chiến sĩ. Bác chỉ rõ "Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa có áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng".
Bác đặc biệt quan tâm xây dựng tình đoàn kết quân dân. Bác thường dạy quân với dân như cá với nước, toàn dân phải chăm lo xây dựng quân đội, còn quân đội phải hết lòng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân, không được động đến một cái kim, một sợi chỉ của nhân dân. Rõ ràng truyền thống tốt đẹp "Phụ tử chí tình", "Quân, dân một lòng" của Tổ tiên ta đã được Bác phát triển một cách tốt đẹp.
Những nội dung tư tưởng trên của Bác là phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh. Quân đội có thể không đông về số lượng, nhưng mạnh ở sự giác ngộ chính trị tư tưởng, thống nhất về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mạnh ở sự đoàn kết quân dân, đoàn kết nhất trí giữa cán bộ và chiến sĩ, mạnh ở mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, ở tính năng động sáng tạo trong sử dụng những vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với cách đánh Việt Nam, chiến trường Việt Nam.
Sức mạnh của Quân đội ta bắt nguồn từ sự lãnh đạo giáo dục của Đảng, của Bác Hồ, từ sức mạnh và lòng thương yêu đùm bọc của nhân dân, từ chiều sâu nền văn hóa truyền thống dân tộc và sức mạnh thời đại. Quân đội ta thực sự trở thành niềm tin, niềm tự hào của nhân dân, đã được nhân dân tặng cho danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ". "Bộ đội Cụ Hồ" là hình mẫu rất đẹp về đức hy sinh chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, là nhân cách con người Việt Nam mới.
Thấm nhuần lời Bác dạy, 75 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” và suốt 75 năm ấy, luôn “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (5).
TTXVN
------------------------------
1. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, tập 2, Nhà xuất bản Sự thật, H. 1980, tr.93.
2. Hồ Chí Minh với các Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H, 1975, tr. 358, 359.
3. Sđd, tr. 359.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Sự thật, H, 1985, tr. 287.
5. Hồ Chí Minh với các Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H, 1985, tr. 385, 359.