Minh họa: Phùng Anh Bản
Trời mênh mông, biển mênh mông một màu đen hun hút. Gió mơn man mượn sóng vỗ về mạn tàu như lời ru muôn thuở. Con tàu cả chục ngàn sức ngựa đậu sừng sững gần một quần đảo như trêu cợt, thách thức sức mạnh vô cùng của đại dương. Khắp con tàu, hàng trăm bóng điện đủ cỡ, đủ sắc màu sáng rực rỡ. Trên boong tàu, gần một trăm lính hải quân ngồi quây quần bên nhau say sưa thưởng thức giọng hát du dương, trữ tình của một nữ ca sĩ có thân hình thon thả, căng cứng trong chiếc áo dài màu thiên thanh. Mái tóc cô gái xõa dài hai bên bờ vai đen nhánh, ôm trọn gương mặt khả ái, với động tác diễn xuất duyên dáng. Tất cả toát lên vẻ đẹp thánh thiện, mê hồn khiến cho những người lính trẻ xuýt xoa, khao khát. Nỗi khao khát thanh thoát, ngưỡng mộ, không mảy may trần tục. “…Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.
Tiếng hát đã dứt, nhưng dư âm của nó còn vang xa và lắng sâu trong lòng biển cả, trong tâm thức của người lính đảo. Họ sực tỉnh, tràng pháo tay nổ lên rào rào như cơn mưa đầu mùa bất chợt, có cả tiếng hô "Hát lại! Hát lại đi!".
Cô ca sĩ mắt ngấn lệ nói lời cảm tạ, giọng khàn đi. Bỗng nhiên từ trong đám khán giả, một người lính bật dậy, giơ tay lên, giọng oang oang: “Tôi xin hát một bài có được không ạ?”. Tiếng hô của khán giả vang lên như sấm: “Hát đi! Hát đi chủ nhân số một! Hát đi!”. Cô ca sĩ tươi cười trao mi-crô cho một chàng trai cao, khỏe mang nét đẹp phong trần và nhận nụ cười xã giao: “Xin mời anh!”. Trao mi-crô xong, cô ca sĩ thầm nghĩ: “Anh chàng thật đáng yêu, hẳn là một cây tếu đây”. Tiếng ca trầm ấm, nhuần nhuyễn của người lính trẻ cất lên cắt ngang dòng suy nghĩ của cô ca sĩ bằng sự thảng thốt: “Chao ôi! Anh chàng hát truyền cảm quá!”. Anh chàng say sưa hát: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa, đảo chúng tôi là đảo Song Tử Tây, như cây phong ba đứng trên đảo xa, bão táp, mưa giăng vẫn nguyên màu xanh…”.
Không hẹn, từ bên dưới rầm rập theo lời ca nhịp nhàng, hùng tráng của những người lính hát về mình bằng cả trái tim yêu đời, yêu cuộc sống và yêu Tổ quốc thiêng liêng. Các diễn viên trong đoàn ca múa nhạc bồi hồi cảm động, xen lẫn hứng khởi trước sức sống và tình yêu của người lính đảo. Không ai bảo ai, họ lần lượt bước lên bên chàng trai cùng hòa chung tiếng hát trong niềm vui sướng, phấn khích tột cùng. Trước khi rời sàn diễn, chàng trai có biệt danh “Chủ nhân số một” hướng về cô ca sĩ xinh đẹp trong đoàn vừa hát bài “Gần lắm Trường Sa”, giọng rụt rè: “Cô Ánh Tuyết ơi! Tôi xin phép được hôn… cô!”. Một đề nghị ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Cô ca sĩ xinh đẹp thoáng bối rối, đứng chôn chân một chỗ, nở nụ cười thẹn thùng. Chàng trai từ từ bước tới. Đúng khoảng cách tầm tay, anh dừng lại. Cô ca sĩ cúi đầu. Phía khán giả reo hò: “Thơm đi! Thơm đi! Chủ nhân số một!”. Hơn một trăm đôi mắt đổ dồn về phía hai người với sự hồi hộp dâng cao. Thật bất ngờ, thay vì nụ hôn nồng cháy trên đôi má đào non tơ, người lính trẻ cầm bàn tay búp măng mũm mĩm của cô gái từ từ đưa lên môi… Đột nhiên cô gái chồm tới ôm lấy bờ vai của người lính òa khóc… Cả boong tàu im phăng phắc.
***
Cô ca sĩ trẻ mon men đến gần một chiến sĩ đang loay hoay cho đàn lợn ăn, gợi chuyện làm quen: “Ồ! Mấy anh cũng nuôi heo ư! Chuồng heo ở đâu không thấy hả anh?”. Người lính cười hiền lành: “Ở đây làm gì có chuồng heo. Hằng ngày, đàn heo ủn ỉn luẩn quẩn quanh đảo. Đến giờ cho heo ăn, tụi anh gióng một hồi kẻng. Thế là chúng cấp tập chạy thục mạng về cái trại này xơi bữa. Sau đó chúng lại tản mạn khắp nơi. Chúng khôn đáo để. Vào mùa hạ cái nắng ở đảo như dội lửa lên đầu. Những trưa hè, trong các dãy nhà tôn nóng hừng hực, hanh hao không chịu nổi. Tụi anh ra giao thông hào núp dưới bóng cây phong ba, đã thấy các chàng, các nàng chiếm lĩnh trận địa từ lúc nào rồi. Tụi anh không còn lòng dạ nào xua đuổi chúng”. Cô ca sĩ giọng như gió thoảng: “Anh cho em biết quý danh đi nào?”. Người lính cười phô hàm răng trắng bóng: “Anh đấy à? Tên của anh là Ngọc, lính đảo vào dạng lâu nhất ở đây”. Cô ca sĩ hỏi phăng tới, cách hỏi giống như dân nhà báo: “Anh ơi! Có thể cho em biết, mỗi ngày các anh làm gì? Chế độ ăn uống, sinh hoạt thế nào?”. Người lính đảo lại cười tự nhiên, hồn hậu: “Canh giữ bầu trời, lãnh hải, bảo quản vũ khí, trồng rau, câu cá cải thiện bữa ăn và thi thoảng đánh bóng chuyền”. Anh chàng tiếp tục: “Thực phẩm chính vẫn là thịt hộp. Món này dùng dài dài ngán lắm. Khắc nghiệt nhất là rau xanh và nước uống, nhưng bây giờ đã khá hơn rồi ca sĩ ạ”. Cô ca sĩ tự giới thiệu tên mình là Cẩm Nhung rồi chợt hỏi: “Có bao giờ tàu của nước ngoài xâm phạm lãnh hải của mình không anh?”. Chàng lính chợt nghiêm nghị: “Có chứ! Họ quỷ quyệt vô cùng. Trước đây họ lợi dụng đêm tối thả bè, cắm cờ nước họ trôi vào ranh giới của ta. Sáng hôm sau quân ta phát hiện, thu hồi. Bây giờ họ bắt đầu hoạt động trắng trợn hơn…”. Để xua tan cái không khí nặng nề, ca sĩ Cẩm Nhung đổi giọng: “Anh Ngọc ơi! Anh chủ nhân số một đang ở đâu vậy?”. Chàng lính biển vui vẻ trở lại: “À! Anh chàng đang canh gác ở cái chòi xa tít ngoài kia, trông từa tựa cái tháp nước giữa thành phố phải không em?”. Ca sĩ Cẩm Nhung thoáng chút ưu tư: “Hôm nay tới phiên gác của anh ấy sao? Anh ấy tên gì nhỉ?”. Ca sĩ Cẩm Nhung vừa hỏi, vừa cười khi nhớ đến buổi giao lưu văn nghệ trên tàu tối qua. Chàng đã không dám hôn vào má của ca sĩ Ánh Tuyết, bạn đồng nghiệp của mình, chàng thật hiền lành, đáng yêu. Chàng lính đảo sôi nổi: “Cậu ấy tên là Đông. Cái biệt danh “Chủ nhân số một” là do tụi anh gán cho cậu ta đấy”. Cẩm Nhung phụ họa: “Hay nhỉ! Cái biệt danh đầy vẻ uy quyền”. Chàng lính đảo như được cởi tấm lòng: “Nhung có biết vì sao Đông có biệt danh tức cười ấy không? Số là trên đảo có con chó béc-giê được trưởng đảo đặt tên là Lu Lu rất mến Đông. Anh ấy đi đâu, con chó cũng lẽo đẽo theo sau. Đông gác ngoài nhà chòi ở đảo chìm, con Lu Lu ngồi tĩnh lặng nhìn chăm chăm ra chòi gác. Mỗi lần Đông quay về, con Lu Lu kêu ăng ẳng, nhảy cẫng trước mặt Đông, ngúc ngoắc cái đuôi, mừng cuống quýt. Ngày Đông về phép thăm gia đình, con Lu Lu bỏ ăn liền mấy hôm, nằm thu lu một chỗ. Đông rất thương con chó. Cậu ta thường ôm nó vào lòng, vuốt ve và tập luyện những động tác: lăn lê, bò toài, phóng qua hào, bơi trên biển… Và chỉ có Đông sai khiến được con Lu Lu, nó mới tuân phục. Vì vậy anh em trên đảo đặt cho cái biệt danh như em biết đấy”.
***
“A lô! A lô! B…áo.ooo…cá.ooo… thủ trưởng: Nhà giàn ở lô 12 đang bị nghiêng! Cứu nạn ngay! Cứu nạn ngay!” – tiếng gào thét gấp gáp của một cán bộ thông tin lữ đoàn muốn vỡ tung ống nghe của chiếc máy bộ đàm trong phòng sở chỉ huy. Tín hiệu phát ra xè xè. Vị "chúa đảo" bật dậy. Lệnh báo động phát ra tức khắc. Bất chấp cuồng phong, hai thuyền máy mở hết công suất lao vun vút trên biển, hướng về chòi canh. Mặt biển thơ mộng hôm qua giờ hoàn toàn biến dạng, nước xoáy từng vùng sâu hoáy. Bọt biển sôi lên sùng sục. Mười con người trên hai thuyền máy lòng nôn nao như đang ngồi trên lửa đỏ: “Kia rồi! Trời ơi! Còn một người nữa đâu?”.
Những chiếc phao cứu hộ cột dây kéo được tung nhanh xuống mặt biển cạnh các chiến sĩ đang ngoắc ngoải, ngụp lặn, dập dờn trong dòng xoáy. Những người trên thuyền gào lên lạc giọng: “Ôm nhanh vào! Ráng lên các đồng chí ơi! Còn thiếu thằng Đông… Trời ơi!... nó…”.
Hai mươi phút sau, một loạt đạn AK vang lên khô khốc, vĩnh biệt… Những dòng lệ rơi lã chã, những tiếng nấc uất nghẹn.
Sau ngày Đông mất, con Lu Lu bỏ ăn hẳn. Ngày nào nó cũng ngồi thu mình trên bãi đá san hô, quay đầu về hướng nhà chòi xiêu vẹo, xa mờ. Đêm đêm, những người lính đảo lắng nghe tiếng tru thảm thiết của con Lu Lu. Và cho đến một sáng, mọi người trên đảo phát hiện con Lu Lu nằm chết cóng trên mỏm đá san hô mà trước đây người chủ thân yêu của nó thường ngồi câu cá.
Truyện ngắn củaTRẦN QUỐC CƯỠNG