Chủ hàng dọa đưa ra tòa vụ cảnh sát bắt giữ 2 tấn bạch tuộc

03/06/2013 14:35

Theo các chủ hàng ở TP HCM, nếu Công an tỉnh Hải Dương không bồi thường hơn 2 tấn bạch tuộc, trị giá gần 1 tỷ đồng họ sẽ đưa vụ việc này ra tòa.




Đại diện các chủ hàng tới cơ quan công an tỉnh Hải Dương khiếu nại, yêu cầu bồi thường

Trao đổi với báo chí chiều 2-6, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đoàn liên ngành của tỉnh Hải Dương, gồm: Chi cục Thú ý, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường đã họp để bàn phương án giải quyết đề nghị của các chủ hàng lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc.

Theo đó, đoàn liên ngành thống nhất kết luận: Cơ quan công an làm đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào các thông tư 66 và 32 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch đối với hàng thủy sản, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương khẳng định lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc của 40 chủ hàng ở huyện Cần Giờ TPHCM vận chuyển chưa qua kiểm dịch là sai.

Liên quan đến việc vài giờ sau khi cơ quan công an “tuýt còi”, hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống đang trên đường vận chuyển đã chết, bị phân hủy và bốc mùi hôi thối, Thượng tá Thái cho rằng, cơ quan chức năng không tiến hành tạm giữ lô hàng này mà chỉ đưa về bãi đỗ để xác minh, tìm hiểu rõ nguồn gốc vì hàng hóa vận chuyên không có giấy kiểm dịch và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Đến 1 giờ 15 ngày 28-5, sau khi kiểm tra thì Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường đã có văn bản trả phương tiện cho lái xe và yêu cầu đi kiểm dịch. Vì vậy trách nhiệm quản lý hàng là của lái xe” - Thượng tá Thái cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh Hải Dương không tiến hành tạm giữ phương tiện cũng như lô hàng thì sao lại phải có văn bản bàn giao trao trả lại phương tiện, Thượng tá Thái cho biết đó là… lỗi do từ ngữ.

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai là chủ của số bạch tuộc trên. “Một số người xuất hiện nhận là chủ hàng nhưng không đưa ra giấy tờ gì. Sau khi làm việc cơ quan công an yêu cầu họ ký vào văn bản nhưng họ cũng không chịu ký".

Vị phó phòng này cũng cho biết, trong quá trình làm việc, các chủ hàng có nêu ra rằng bạch tuộc không xuất xứ từ vùng có dịch thì không cần phải có giấy kiểm dịch, tuy nhiên cơ quan công an giải thích nói như vậy là do họ hiểu sai từ ngữ trong thông tư và căn cứ vào các thông tư phối hợp của Bộ Công an về kiểm tra hàng lậu nên vẫn phải kiểm tra lô hàng này.

Hiện chiếc xe tải cùng số bạch tuộc phân huỷ vẫn nằm trong bãi lưu giữ phương tiện

Anh Nguyễn Trung Hải (SN 1975, một chủ hàng trú tại huyện Cần Giờ - TPHCM) cho biết, toàn bộ số bạch tuộc nói trên là do người dân huyện Cần Giờ khai thác từ tự nhiên. Từ 3 năm nay, một số người dân vẫn gom hàng, vận chuyển theo đường nói trên, mặc dù có bị kiểm tra nhưng chưa bao giờ bị bắt giữ.

Anh Đặng Văn Hùng, một chủ hàng khác bức xúc: “Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã làm trái quy định, gây thiệt hại cho người dân chúng tôi. Do đó, chúng tôi kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường tỉnh Hải Dương phải bồi thường”.

Ngày 2-6, các chủ hàng cùng những người đánh bắt thuy hải sản tại huyện Cần Giờ - TP HCM đã họp bàn và thống nhất xin xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc xuất xứ lô hàng sau đó để kiến nghị cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc.

Yêu cầu mà các hộ dân đưa ra vẫn là Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh Hải Dương phải bồi thường thiệt hại. Theo đó, trong trường hợp vụ việc không được làm sáng tỏ, không đáp ứng được kỳ vọng thì các hộ dân cùng như chủ hàng sẽ đưa vụ việc ra tòa án.

Trong khi đó, đến chiều 2-6, phương tiện cùng lô hàng bạch tuộc vẫn cứ phân hủy bốc mùi nồng nặc giữa trời nắng nóng tại bãi lưu giữ phương tiện ở tỉnh Hải Dương do chủ hàng, chủ xe ô tô kiên quyết không chịu nhận lại phương tiện và số bạch tuộc đã phân huỷ.

Trước đó, như thông tin, khoảng 23 giờ ngày 27-5, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh Hải Dương nhận được thông báo lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương phát hiện xe ô tô tải loại nhỏ biển kiểm soát 14C-06538 đang trên đường lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh, chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng của đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường đã đưa xe ô tô cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính của Công ty TNHH Trường Giang - số 57 đường Ngô Quyền, TP Hải Dương để làm rõ. Sau đó, công an có trả lại xe và hàng hoá xong tài xế và đại diện chủ hàng không đồng ý nhận lại bởi toàn bộ số bạch tuộc trị giá gần 1 tỉ đồng đã bị chết, phân huỷ do không được bảo quản đúng quy trình.


Trọng Đức (Người Lao Động)

Công an làm sai thẩm quyền

Căn cứ điểm a khoản 2, điều 29, nghị định 33/2005 và điểm B, khoản 1, điều 3 thông tư 06/2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chỉ kiểm dịch trong trường hợp thủy sản, sản phẩm thủy sản được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch. Ở TP.HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương giữ xe để kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch hay không là sai.

Việc làm này của cảnh sát môi trường cũng sai về thẩm quyền, vì việc kiểm dịch thuộc thẩm quyền của Cục Thú y (theo điểm B, khoản 6, điều 2 quyết định 19 ngày 28-1-2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Vì không thuộc thẩm quyền mà vẫn thu giữ, lại không bảo quản, làm hư hỏng tài sản của dân nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương phải đền bù thiệt hại. Một cái sai nữa của cảnh sát môi trường là khi giữ xe lại không lập biên bản tạm giữ tang vật. Chủ lô hàng có thể yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương bồi thường theo giá trị của lô hàng, nếu không được bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa.

Theo tôi, trong trường hợp này thì Công an tỉnh Hải Dương phải bỏ tiền túi ra để bồi thường vì họ làm không đúng quy định, không đúng thẩm quyền. Rõ ràng việc kiểm tra giấy kiểm dịch là không thuộc thẩm quyền nhưng cảnh sát môi trường vẫn cố tình giữ xe để xảy ra hậu quả.

Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM)

Phải lập biên bản tạm giữ

Căn cứ chức năng quyền hạn của cảnh sát môi trường, tất cả hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải lập biên bản, phải có người có thẩm quyền ra quyết định bắt giữ phương tiện và sản phẩm. Khi người ta có hành vi vi phạm thì phải có quyết định xử lý theo các quy định của Bộ Công an. Việc cảnh sát môi trường giữ xe hàng mà chưa lập biên bản là sai. Hơn nữa, trong trường hợp này thì việc kiểm tra giấy kiểm dịch thuộc thẩm quyền của chi cục thú y tỉnh, tuy nhiên cảnh sát môi trường đã không kết hợp liên ngành.

Theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Luật bảo vệ môi trường và nghị định số 117 ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mọi hoạt động tạm giữ đều phải lập biên bản, không thể có chuyện giữ tang vật mà không có biên bản. Người bị giữ hàng có thể khởi kiện hành vi hành chính của cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật sư Phan Minh (Đoàn luật sư TP.HCM)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ hàng dọa đưa ra tòa vụ cảnh sát bắt giữ 2 tấn bạch tuộc