Chiều 17-10, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại TP Hải Dương và huyện Thanh Miện.
* Tạm dừng gieo trồng vụ đông
* Từ chiều 18-10, bão ảnh hưởng trực tiếp tới Hải Dương
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu các địa phương
khẩn trương thu hoạch lúa mùa, bảo vệ cây vụ đông đã trồng
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa, bảo vệ diện tích cây vụ đông đã trồng, hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 7 gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt việc tiêu, gạn nước đệm, ưu tiên những khu vực dễ xảy ra ngập úng; dự phòng bơm dầu nếu xảy ra sự cố mất điện. Vùng nuôi thủy sản phải đăng chắn cẩn thận, không để nước tràn bờ; gia cố chắc chắn lồng nuôi cá trên sông, đề phòng lũ dâng cao. Đối với các công trình xây dựng đang triển khai, cần có phương án bảo đảm tính mạng cho người và tài sản.
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 45.500 ha lúa mùa, gieo trồng được 12.000 ha cây vụ đông. Trước những diễn biến phức tạp của bão số 7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân nhanh chóng thu hoạch 11.000 ha lúa trà mùa sớm, mùa trung còn lại trong ngày 18-10 và diện tích rau màu vụ đông sớm đã đến kỳ thu hoạch; tạm dừng gieo trồng cây vụ đông cho đến khi bão tan. Đối với trà lúa muộn, nông dân giữ nước nông mặt ruộng. Khơi thông dòng chảy tại những khu vực mới trồng cây vụ đông, lưu ý những vùng sản xuất cây giống. Đối với cây ăn quả, hướng dẫn nông dân cắt bỏ cành lá xum xuê, cành bẹ, lá khô; chống, chằng buộc, vun đất vào gốc cây; đào rãnh xung quanh, be cao bờ vùng, nạo vét các đầu luống, đầu rãnh để thoát nước nhanh. Dự phòng giống cây vụ đông để kịp thời khôi phục sản xuất khi có thiệt hại do bão.
* Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, chiều 18-10, bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Hải Dương, gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Các địa phương khu vực Đông Bắc tỉnh: thị xã Chí Linh và các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà có gió giật cấp 4, sau tăng lên cấp 5, cấp 6 giật cấp 7. Các địa phương khu vực Tây Nam tỉnh: TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Ninh Giang có gió giật cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
* Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 7, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó.
Huyện Cẩm Giàng tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh 20% diện tích lúa mùa còn lại (khoảng 850 ha) theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng", phấn đấu xong trước ngày 19-10. Chủ động bảo vệ công trình, nhà cửa xung yếu, diện tích cây vụ đông mới trồng, cây ăn quả, khu vực nuôi thủy sản.
UBND huyện Tứ Kỳ chỉ đạo UBND các xã và ngành chuyên môn bằng mọi biện pháp vận động nhân dân tổ chức thu hoạch nốt 3.000 ha lúa mùa trong 2 ngày 18 và 19-10; thu hoạch những diện tích rau màu đến kỳ và có phương án chống úng, bảo vệ rau màu mới trồng, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, úng.
Ngoài ra, các huyện yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi phối hợp cùng các địa phương triển khai phương án phòng chống úng. Điện lực Tứ Kỳ kiểm tra hệ thống điện, có giải pháp khắc phục sự cố, không để xảy ra tình trạng mất điện trong thời gian chống úng, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm…
* Trước đó, chiều 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 7 với 22 tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa.
Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương chủ trì tại điểm cầu Hải Dương
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động bám sát tình hình thời tiết, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Các tỉnh bị thiệt hại do áp thấp nhiệt đới trước khi mạnh lên thành bão số 7 cần tập trung tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên các gia đình thiệt hại nặng; khẩn trương phục hồi sản xuất và đặc biệt lưu ý tới vệ sinh môi trường sau khi nước rút.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến của cơn bão để đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời. Các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên cập nhật tình hình để phản ánh chính xác, kịp thời về mức độ ảnh hưởng của bão. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đê, hồ đập, có phương án chặt chẽ để bảo vệ các trọng điểm; chủ động bơm tháo gạn nước đệm, bảo vệ sản xuất vụ đông; chấp hành nghiêm chế độ trực ban theo các cấp báo động; tăng cường phối hợp với Bộ Quốc phòng sơ tán dân ở những khu vực xung yếu; kiểm đếm tàu thuyền trên biển, nhất là những tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, di chuyển vào vị trí an toàn. Bộ Công thương cần vận hành linh hoạt hệ thống hồ đập thủy điện và hệ thống lưới điện an toàn trong thời điểm mưa bão; cần lưu ý tới các hầm, mỏ khai thác khoáng sản và chủ động chuẩn bị hàng hóa thiết yếu cho những vùng có thể xảy ra thiệt hại lớn. Bộ Xây dựng tập trung bảo vệ các công trình trọng yếu của đất nước. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm các tuyến đường được thông suốt; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường trọng yếu. Bộ Y tế quan tâm tới nước sinh hoạt hợp vệ sinh sau khi nước rút, bão tan.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động phòng tránh. Sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa, bão theo kế hoạch. Hướng dẫn nông dân tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bảo vệ cây trồng vụ đông và cây ăn quả; có phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các công trình, nhà cửa... xung yếu. Tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập, đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các công trình đang thi công, các vị trí xung yếu để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án phòng chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa, rau màu ở vùng trũng và các khu nuôi thuỷ sản tập trung. TP Hải Dương chủ động phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập, khu vực khai thác mỏ trên địa bàn...
Bão số 7 giật cấp 16 hướng vào bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng
Dự báo đường đi của bão số 7
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 110km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 16 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 109,4 độ kinh đông, trên đất liền phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Đến 16 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ vĩ bắc; 107,3 độ kinh đông, trên vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14-15. Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão số 7 có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 17-10, ở vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-10, giật cấp 11-12, sóng biển cao 2-4m, biển động rất mạnh.
|
PV