Chủ động ứng phó với bão số 3

18/07/2018 05:59

Các huyện, thị xã, thành phố và các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, triển khai phương án đối phó theo kế hoạch...

Để chủ động ứng phó với bão số 3, 17 giờ ngày 17.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh phát công điện số 01 yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, triển khai phương án đối phó theo kế hoạch. Chú ý chống úng cho diện tích lúa mới cấy, cây rau màu hè thu, khu vực nuôi thủy sản tập trung. Chủ động biện pháp phòng tránh cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên bãi sông, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Kiểm tra các công trình đê, kè, cống, nhất là các trọng điểm phòng chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống đê Bắc Hưng Hải, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn tổ chức rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập và các khu vực mỏ khai thác đá, đất sét trên địa bàn.

Các Công ty TNHH một thành viên: Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương triển khai thực hiện phương án phòng chống mưa, lũ, úng theo kế hoạch. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu...

Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nên từ chiều 18.7, các khu vực trong tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 30-50 mm, có nơi lớn hơn. Trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 6. Cảnh báo cấp độ thiên tai cấp 3.

Mực nước các sông tiếp tục lên cao do hồ thủy điện mở cửa xả đáy và ảnh hưởng của triều cường. 13 giờ ngày 17.7, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 2,16 m (dưới báo động I là 1,84 m), sông Luộc tại Bến Trại đạt 1,63 m (dưới báo động I là 1,17 m). Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thái Bình đạt dưới báo động I. Các sông khu vực hạ lưu như Gùa, Kinh Môn, Rạng... đạt trên mức báo động I.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước bão số 3.

Đối với cây lúa, giữ mực nước nông trên mặt ruộng hoặc chỉ để láng nước mặt. Tiêu gạn nước đệm trên các kênh trục chính và nội đồng. Khơi thông dòng chảy, thu dọn bèo bồng, đăng đó, vó bè trên sông để tiêu nước nhanh, kịp thời. Huy động tối đa máy bơm điện, bơm dầu để ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập nặng. Chủ động phương án tiêu thoát nước cho lúa mới cấy, nhất là diện tích gieo thẳng còn thấp cây có nguy cơ bị ngập úng cao. Chuẩn bị dự phòng các giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày như P6ĐB, KD18, HN6, QR1... gieo cấy lại kịp thời nếu thiệt hại trên 70%. Sau mưa úng, cần duy trì mực nước từ 3-5 cm trên mặt ruộng, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh...

Với cây rau màu, cần nạo vét mương và đầu luống để nước tiêu thoát nhanh. Làm khum che nilon cho các diện tích rau ăn lá, rau gia vị dễ bị dập nát. Chuẩn bị hạt giống rau màu, đề phòng mưa lớn, khan hiếm nguồn cung và sẵn sàng gieo trồng lại.

Đối với diện tích cây ăn quả cần cắt bớt cành, lá, chằng chống nhằm hạn chế đổ gãy. Đào sâu quanh vườn để nước thoát nhanh, kịp thời.

PV

Bão số 3 giật cấp 11 tiến nhanh vào đất liền


Bão số 3 với gió giật cấp 11 sẽ gây mưa to ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Hồi 20 giờ ngày 18.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 106,6 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; trong tối và đêm nay, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 19.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ vĩ bắc; 104,0 độ kinh đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m;  biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9;  riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. 

Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20.7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).

Cảnh báo: Từ nay đến ngày 20.7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng - Thái Bình từ 2-4m; sông Hoàng Long từ 1-2m; các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức báo động 1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động 1- báo động 2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức báo động 2- báo động 3.

Mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ (trọng tâm mưa rất to tập trung ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), kéo dài đến ngày 20.7.

Tại khu vực Hà Nội, từ nay đến ngày 19.7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với bão số 3