Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp khẩn sáng 13.9 để ứng phó với bão số 10. Bão dự kiến sẽ đổ bộ vào Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm Nghệ An - Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai
chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó cơn bão số 10 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 13.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc, 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 14.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 111,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc, 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, từ gần sáng 15 đến hết ngày 16.9 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm); các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm).
Dự báo đường đi của bão số 10
Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, chủ trì hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 10 rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp nên các bộ, ngành, các tỉnh, địa phương không được chủ quan.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải bám thật chặt, cập nhật các dự báo của các trung tâm khí tượng tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, đưa ra dự báo sát với thực tế, tránh chủ quan hoặc gây hoang mang cho người dân.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ 13 đến 19 độ vĩ Bắc, phía đông kinh tuyến 114 độ kinh Đông (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão) và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra thời gian qua. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
* Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, 13 giờ ngày 13.9, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 3,34 m (dưới báo động I là 0,46 m), sông Luộc tại Bến Trại đạt 3,13 m (vượt báo động I là 3,13m). Mực nước sông trục nội đồng đạt 1,75 m.
Để chủ động ứng phó với bão số 10, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã vận hành 31 trạm bơm tiêu nước đệm. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải điều tiết phòng lũ, đóng kín cống Xuân Quan, mở thông các cống Cầu Xe, An Thổ. Mặc dù chưa xảy ra sự cố về điện, hư hỏng máy móc nhưng do mực nước sông ngoài, sông trục ở mức cao nên việc bơm, gạn tháo nước gặp khó khăn.
Bão mạnh, di chuyển nhanh và phức tạp
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, nguy hiểm và diễn biến phức tạp .
"Càng vào sâu, bão càng mạnh lên, di chuyển tốc độ 15 - 20km/h. Đến mai, bão sẽ tăng tốc lên 20km/h và khi đi vào vịnh Bắc Bộ có thể đạt sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Đây là cơn bão trẻ, đang ở ngày thứ 2. Dự kiến chiều tối 15, đêm 16-9, bão sẽ đi vào đất liền nước ta, khi đó bão ở thời kỳ mạnh nhất do tuổi thọ của bão chỉ 7-8 ngày.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An - Hà Tĩnh. Với cường độ như thế này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4" - ông Cường nói.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 15 đến trưa 16-9, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, phổ biến 100-300mm, riêng Nghệ An - Quảng Bình mưa 300-400mm.