Chủ động ứng phó bão số 3

02/08/2019 04:18

Do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ đêm 1 - 4.8, các khu vực của tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Bão liên tục đổi hướng, chiều 2.8 đổ bộ vào Quảng Ninh - Thái Bình
* 13 địa phương có thể xảy ra sạt lở, lũ quét

Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Nam Sách mở cửa cống qua đê ở xã Phú Điền để gạn tháo nước đệm

Lượng mưa cả đợt dao động từ 80-150mm, có nơi cao hơn.

Để chủ động ứng phó với mưa úng, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh đã yêu cầu tất cả các xí nghiệp trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để phòng chống bão úng; kiểm tra hệ thống công trình, máy móc, thiết bị; chủ động gạn tháo nước đệm khi cần thiết; tổ chức thường trực 24/24 giờ. 

Xí nghiệp KTCTTL TP Chí Linh kiểm tra an toàn hồ đập và thực hiện nghiêm quy trình vận hành. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải đã phân công công nhân trực tại các điểm xung yếu, chằng chống công trình đang xây dựng, đóng kín các cống Xuân Quan, Báo Đáp, mở thông các cống Kênh Cầu, Lạc Cầu, Bá Thuỷ, Cống Neo... để tháo gạn ở cửa cống Cầu Xe, An Thổ.

Tại huyện Thanh Hà, Xí nghiệp KTCTTL huyện đã mở cống sông Hương, cống Thuần và một số cống phụ khác để gạn tháo nước đệm nhằm tránh nguy cơ ngập úng cho hơn 7.000 ha cây ăn quả và gần 3.000 ha lúa. Đến trưa ngày 1.8, nước trong đồng đã được tháo kiệt. 

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra việc tháo nước đệm tại cống sông Hương ở xã Thanh Xuân (Thanh Hà)

Lãnh đạo các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ đã kiểm tra công tác chuẩn bị bơm tiêu úng tại một số trạm bơm và khả năng tiêu thoát nước tại các công trình thủy lợi đang thi công. 

Điện lực các huyện, thành phố đã sẵn sàng phương án vận hành lưới điện bảo đảm cấp điện cho các phụ tải quan trọng theo danh mục ưu tiên, bảo đảm điện cho tất cả các trạm biến áp phục vụ bơm tiêu úng theo yêu cầu.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện có 13 xã, phường, thị trấn của huyện Kinh Môn và TP Chí Linh có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét trong năm 2019. Cụ thể là các xã Hiệp An, An Phụ, An Sinh, Tân Dân, Hoành Sơn, Bạch Đằng và thị trấn Kinh Môn (Kinh Môn); các xã, phường Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Bến Tắm, Hoàng Tân, Hoàng Tiến (Chí Linh). Những nơi này có đồi núi nằm sát các khu dân cư.

Được biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kinh Môn, TP Chí Linh và các địa phương đã lên phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Bão liên tục đổi hướng, chiều 2.8 đổ bộ vào Quảng Ninh - Thái Bình

Bão số 3 với gió giật cấp 12 đang tiến nhanh vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 2.8, tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 180km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 19h ngày 2.8, tâm bão ngay trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10km, khoảng tối và đêm nay đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng bão, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng 2.8 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10.

Từ chiều tối nay ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ nay đến ngày 4.8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).

Hàng chục chuyến bay bị hủy hoặc điều chỉnh lịch 

Từ ngày 2.8, Vietjet sẽ hủy 11 chuyến bay chặng từ TP Hồ Chí Minh đi Hải Phòng, Bangkok, Đà Nẵng, Nha Trang... Ngày 3.8, hãng sẽ hủy đến 13 chuyến bay các chặng bay xuất phát từ Hải Phòng đi đến các sân bay như Phú Quốc, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang. 

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ các sân bay Hải Phòng và Vân Đồn trong các ngày 2 và 3.8.

Cụ thể, ngày 2.8, trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, hãng sẽ hủy 5 chuyến bay. Ngoài ra, hãng bay sớm các chuyến VN1184, VN1187 để bảo đảm hạ cánh tại sân bay Hải Phòng trước 12 giờ do sân bay Hải Phòng đóng cửa bởi ảnh hưởng của bão từ 12 giờ ngày 2.8 đến 12 giờ ngày 3.8. 

Trên đường bay giữa Đà Nẵng và Hải Phòng, hủy 2 chuyến bay số hiệu VN1672, VN1673. Trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Vân Đồn, hủy 2 chuyến. Ngày 3.8, giữa TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đơn vị này hủy chuyến bay VN1181. 

Hãng cũng lùi giờ khai thác các chuyến VN1180, VN1183 (dự kiến khoảng 5 tiếng) để đảm bảo hạ cánh tại sân bay Hải Phòng sau 12h ngày 3.8.

Để hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong ngày 2.8, Vietnam Airlines tăng thêm một chuyến bay khứ hồi giữa Đà Nẵng - Hà Nội và một chuyến bay khứ hồi giữa TP Hồ Chí Minh - Hà Nội. 

Hãng cũng thay Airbus A321 bằng Boeing 787-9 có sức chứa lớn hơn trên một chuyến bay khứ hồi giữa TP Hồ Chí Minh - Hà Nội. Từ Hà Nội, hành khách có thể dễ dàng, chủ động phương tiện để đến Hải Phòng, Vân Đồn hoặc bay đi các điểm nội địa khác.

Vietnam Airlines hỗ trợ đặt lại chỗ miễn phí trên các chuyến bay tăng cường cho hành khách đến, đi từ Hải Phòng, Vân Đồn bị ảnh hưởng bởi cơn bão. 

Bên cạnh các chuyến bay đến, đi từ Hải Phòng, Vân Đồn, các chuyến bay nội địa khác của Vietnam Airlines cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do cơn bão. 

Hiện Jetstar Pacific và Bamboo Airways chưa đưa ra thông tin kế hoạch điều chỉnh chuyến bay do ảnh hưởng bão số 3. 

Quảng Ninh dừng cấp phép tàu rời bến

Thực hiện công tác chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số địa phương.

222
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (thứ 2 từ trái sang), kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương

Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương phải chủ động các biện pháp phòng chống bão số 3, không được lơ là, chủ quan; tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thủy sản nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long phải đặc biệt lưu ý các giải pháp tiêu thoát nước khu dân cư, bãi thải, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở trên toàn địa bàn để sẵn sàng có phương án ứng phó.

Riêng với những tàu đã vào khu vực bến bãi, phải thực hiện giằng néo tàu thuyền khi neo đậu an toàn, góp phần giảm tới mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền lưu thông trên biển, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 10h ngày 1.8.

Hiện trên Vịnh Hạ Long đang có trên 500 tàu du lịch hoạt động, tại các tuyến đảo có trên 300 tàu khách. Theo thông tin từ huyện Cô Tô, hiện trên đảo đang có trên 380 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài.

Dù đã được thông báo về việc ảnh hưởng của bão số 3 và tạm dừng cấp phép tàu vào bờ, tuy nhiên số du khách này vẫn ở lại đảo.

Từ đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3ông Nguyễn Thiện Hoàng, Trưởng Ban Quản lý kinh doanh bán điện thuộc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng cho biết công nhân quản lý vận hành trên đảo đã đi kiểm tra, gia cố các tủ điện, nhà xưởng. Lực lượng công nhân cũng sẵn sàng trực 24/24h để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Lưới điện trên đảo Bạch Long Vĩ đã ngầm hóa 100%, là một thuận lợi lớn cho công tác quản lý vận hành của thợ điện nơi đây. 

Công nhân phát quang hành lang lưới điện trước cơn bão số 3

Ở đất liền, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng cũng đã triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị xây lắp trên địa bàn để phối hợp khắc phục nhanh các sự cố nếu có...

Tại Nam Định, theo ông Đỗ Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định, các đơn vị trực thuộc đã kiểm tra, gia cố hệ thống cấp điện cho các trạm bơm, sẵn sàng phục vụ bơm tiêu chống úng; lập phương án cấp điện cho các khách hàng trọng điểm; xử lý cây xanh có nguy cơ đổ vào đường dây, trạm điện...

Ngoài ra, điện lực các địa phương còn chủ động theo dõi các điểm thường xuyên ngập úng để kịp thời cắt điện nếu xảy ra tình trạng này, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó bão số 3