Chủ động phòng chống thiên tai

09/07/2015 07:47

Trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết thất thường gây bão, lũ, nắng nóng, hạn hán ở nước ta có chiều hướng gia tăng, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản.

Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này đã được các nhà khoa học chỉ ra là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các điều kiện tự nhiên, môi trường, kinh tế, sức khỏe, phát triển nông nghiệp... ở nước ta. Theo nhận định của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng lũ lụt, hạn hán ở một số vùng Đông Nam Á. Theo đó, vùng này có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu Phi, 25 lần so với châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Năm 2015, theo Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, tình hình thời tiết thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ nhiều hơn năm 2014. Dự báo có khoảng 9 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ sẽ xuất hiện nhiều ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình hình khô hạn, nắng nóng gay gắt ở miền Trung, nhất là Nam Trung Bộ đến khoảng tháng 9-2015 mới được cải thiện. Xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao và kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 ở Nam Bộ...

Mới bước vào mùa mưa bão nhưng cơn bão số 1 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố. Tỉnh ta không chỉ bị thiệt hại về sản xuất, đời sống, mà đã có thiệt hại về người.

Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu như vậy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch, biện pháp nhằm chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) bảo đảm chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời xử lý kịp thời những nảy sinh, nhanh chóng khắc phục những hậu quả. Một trong những nội dung đó là công tác dự báo phải nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, tránh những dự báo sai số về trung tâm, cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới, động đất, lũ quét, mưa lớn, rét hại... Dự báo phải báo trước được 72 giờ khi bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng vào đất liền.

Nhân Ngày phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai 22-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có đoạn: "Thực hiện tốt Luật PCTT, đưa nội dung PCTT vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành, địa phương...". "Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời và hiệu quả, theo phương châm 4 tại chỗ...".

Thực hiện Luật PCTT, Chiến lược quốc gia về PCTT, TKCN, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tích cực, chủ động lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, cơ sở, doanh nghiệp; xã hội hóa công tác này để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.

VŨ HOÀNG (TP Hải Dương)


(0) Bình luận
Chủ động phòng chống thiên tai