Chủ động phòng, chống dịch tai xanh

21/04/2010 06:13

Nửa tháng trở lại đây, dịch tai xanh trên đàn lợn bùng phát và lây lan nhanh trong toàn tỉnh, khiến người chăn nuôi lo lắng, đặc biệt là chủ các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung.


Anh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra khu vực chăn nuôi lợn nái đẻ
Nửa tháng trở lại đây, dịch tai xanh trên đàn lợn bùng phát và lây lan nhanh trong toàn tỉnh. Dịch đã xuất hiện ở 43 xã, thị trấn của 5 huyện, gồm: Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc và Thanh Hà với 2.855 con lợn bệnh bị tiêu hủy. Dịch tai xanh bùng phát mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng, đặc biệt là chủ các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung với số lượng lớn.

Thăm trang trại chăn nuôi lợn nái đẻ của ông Bùi Huy Hạnh ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) chiều 18-4, chúng tôi thấy công tác phòng, chống dịch ở đây được trang trại thực hiện rất nghiêm ngặt. Do đặc thù lợn nái đẻ rất dễ mắc vi-rút tai xanh, trong khi trang trại chăn nuôi quy mô 1.400 lợn mẹ và 2.400 lợn sữa lại đang nằm trong vùng có dịch, nên công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Một kỹ sư chăn nuôi ở đây cho biết, bệnh tai xanh trên lợn do một loại vi-rút gây ra. Khi mắc bệnh, lợn nái dễ sảy thai còn lợn con thì mắc chứng suy hô hấp, suy giảm miễn dịch, dẫn đến mắc các bệnh kế phát như phó thương hàn, tả, tụ huyết trùng, đóng dấu (lợn chết là do các loại bệnh kế phát gây ra, còn chết do bệnh tai xanh chỉ chiếm 3-5%). Loại vi-rút này có thể phát tán theo gió, theo đường vận chuyển lợn mắc bệnh, dụng cụ chăn nuôi, thiết bị thụ tinh nhân tạo, chim hoang dã... Trước kia, tất cả cán bộ quản lý, công nhân chăn nuôi vào trang trại chỉ phải qua 2 cửa tự động phun thuốc sát khuẩn, nhưng nay phải tắm bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo bảo hộ trước khi qua 2 cửa sát khuẩn, nhằm tránh mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào. Ngoài ra, trang trại tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại 2 lần/ngày, rắc vôi bột tại các lối đi lại, hạn chế người ra vào trang trại. Tất cả số cán bộ thú y, công nhân chăn nuôi lợn được bố trí ăn nghỉ ngay trong trang trại. Việc xuất bán lợn và nhập thức ăn về trang trại không thực hiện trực tiếp mà ở khu vực riêng rẽ, cách xa khu vực chăn nuôi.

Mặc dù nằm xa vùng dịch tai xanh nhưng các trang trại chăn nuôi tập trung của anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) và Phạm Sỹ Quyền ở thị trấn Thanh Hà (Thanh Hà) nuôi hàng nghìn con lợn thịt thương phẩm, lợn nái đẻ cũng đang cấp bách áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Theo anh Sơn và anh Quyền, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là phòng bệnh, vì bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Anh Sơn cho biết, dịch tai xanh có tốc độ lây lan rất nhanh, nhưng nếu nắm được cơ chế lây bệnh của chúng thì việc phòng tránh khá đơn giản. Khi lợn mắc bệnh, vi-rút sẽ nhanh chóng làm giảm hệ miễn dịch của lợn, tạo điều kiện cho các loại bệnh khác như tụ huyết trùng, đóng dấu, thương hàn, tả... có điều kiện phát triển, làm lợn bị chết. Như vậy, để phòng dịch có hiệu quả, ngoài việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh theo phương pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn các tác nhân gây lây lan dịch bệnh cho lợn, người chăn nuôi phải tăng cường chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho lợn bằng cách trộn vào thức ăn các loại thuốc bổ cho lợn ăn hằng ngày; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng các loại bệnh mà lợn thường gặp, nhằm tránh bệnh tai xanh liên kết với các bệnh khác. Lợn nái, tiêm trước khi mang thai; lợn nuôi thịt thương phẩm sau 35 ngày tuổi mới tiêm.

Theo ông Phạm Đình Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay số lợn nuôi ở các trang trại, gia trại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số đàn lợn của tỉnh. Do vậy, việc bảo đảm an toàn cho đàn lợn của các trang trại, gia trại là hết sức cấp thiết. Sẽ là thảm họa của ngành chăn nuôi tỉnh nếu dịch tai xanh lây lan vào các trang trại chăn nuôi tập trung, nên bằng mọi biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào các khu vực này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi; tiêm đầy đủ vắc-xin phòng các loại bệnh thường gặp trên lợn như đóng dấu, tụ huyết trùng, tả, phó thương hàn, đồng thời tăng cường khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho lợn. Tại các vùng có dịch, Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo lực lượng thú y địa phương lập các chốt kiểm dịch, xây dựng các biển báo, hố khử trùng, hướng dẫn người dân đi lại tránh vùng dịch. Tuyên truyền, vận động và nghiêm cấm việc mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, tổ chức tiêu hủy kịp thời.

Ông Nghị cho biết thêm, hiện nay dịch tai xanh bùng phát trên đàn lợn của tỉnh chỉ xuất hiện trên lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi phần lớn chuồng trại chăn nuôi của các hộ này không bảo đảm các điều kiện về an toàn sinh học, vi-rút tai xanh rất dễ lây lan. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi không quan tâm đến tiêm vắc-xin phòng bệnh, nên khi mắc bệnh tai xanh, lợn nhanh chết vì mắc các bệnh thứ phát khác. Ông Nghị khẳng định, nếu thực hiện đồng bộ các biện phòng dịch hiệu quả, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn hoàn toàn có thể miễn nhiễm đối với dịch tai xanh.

PHƯƠNG LINH - THÚY HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động phòng, chống dịch tai xanh