Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của vi-rút Corona (MERS-CoV), Hải Dương có những biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ
việc giám sát, điều trị bệnh nhân nếu dịch MERS-CoV xuất hiện ở tỉnh ta
Giám sát ở 2 kênhĐến ngày 23-6, thế giới có 1.348 ca nhiễm MERS-CoV tại 27 nước, đã có 479 trường hợp tử vong. Đặc biệt, Hàn Quốc đã ghi nhận 175 trường hợp nhiễm MERS-CoV với 27 ca tử vong, Thái Lan cũng xuất hiện 1 ca đã làm dấy lên lo ngại dịch bệnh nguy hiểm này sẽ xâm nhập vào nước ta.
Theo Sở Y tế, MERS-CoV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, có nhiều trường hợp cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân bị lây bệnh. Bệnh này xuất phát từ một số nước vùng Trung Đông, các trường hợp mắc bệnh tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ đều có tiền sử đi du lịch tại các nước ở khu vực đó. Vì vậy, bệnh có thể xâm nhập thông qua các khách du lịch, người lao động về từ vùng Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua vùng Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có khá đông doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như nhiều gia đình có thân nhân đang sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này. Vì vậy, sự giao lưu đi về giữa hai nước cũng là nguy cơ khiến dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh ta.
Để chủ động đối phó với dịch bệnh, ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca bệnh ở 2 kênh: trong bệnh viện và y tế cộng đồng.
Ngành y tế quan tâm rà soát lại toàn bộ những gia đình có thân nhân đang sinh sống, làm việc hoặc đi qua các vùng dịch để giám sát kịp thời. Kim Thành là địa bàn có khá đông người đi lao động và kết hôn tại Hàn Quốc. Qua thống kê sơ bộ, huyện có 444 người rải rác ở tất cả các xã, thị trấn có thân nhân tại Hàn Quốc. Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người trong các hộ, qua nắm bắt chưa có người nào đi thăm thân nhân vào thời gian này. Tuy nhiên, các cán bộ y tế cũng tư vấn kiến thức về phòng chống dịch để họ biết cách tự phòng bệnh trong trường hợp đi thăm thân nhân tại Hàn Quốc. Các xã, thị trấn cũng viết bài tuyên truyền phát trên các loa truyền thanh để người dân nắm bắt được tình hình, cách phòng chống dịch bệnh MERS. Cán bộ y tế các xã, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện, cán bộ điều trị tại bệnh viện cũng được tập huấn các thông tin về dịch MERS-CoV và phác đồ điều trị.
Tại bệnh viện, công tác giám sát, phân loại bệnh nhân đã và đang được triển khai ráo riết từ bệnh viện tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Bác sĩ Phạm Xuân Lúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện nay, số lượng bệnh nhân vào khám rất đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhân. Để phát hiện sớm ca bệnh nhiễm MERS-CoV và tránh lây chéo, bệnh viện đã bố trí phòng khám phân loại, sàng lọc bệnh nhân truyền nhiễm. Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ chuyển đến Khoa Truyền nhiễm và mọi thủ tục sẽ được thực hiện ở trong khoa”.
Sẵn sàng điều trịTheo phương án chỉ đạo của tỉnh, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sẽ là nơi tiếp nhận những ca bệnh đầu tiên khi dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào tỉnh ta. Khoa hiện có 50 giường bệnh và riêng tầng 3 sẽ dành cho công tác cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, số bệnh nhân quá đông, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của Khoa Truyền nhiễm thì Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS sẽ là cơ sở điều trị tập trung và bệnh nhân cũ của trung tâm sẽ chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trung tâm hiện đã chuẩn bị sẵn sàng tòa nhà 9 tầng, với 50 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân. Ngành y tế cũng có phương án thành lập bệnh viện dã chiến sẵn sàng đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Tuy nhiên, ngoài các đơn vị trên, tất cả các bệnh viện trong tỉnh cũng phải chủ động chuẩn bị sẵn một khu vực điều trị cách ly riêng cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh. Dự trù đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.
Ông Đoàn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Dịch bệnh MERS-CoV nếu xâm nhập vào nước ta sẽ rất khó khăn trong công tác phòng chống nói chung và điều trị nói riêng. Nguyên nhân do bệnh không có vắc-xin, không có thuốc điều trị đặc hiệu và khi mắc bệnh thì người bệnh sẽ nhanh bị suy hô hấp cấp tính. Biểu hiện ban đầu của bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nhưng tỷ lệ tử vong rất cao, từ 37-40%”. Vì vậy, việc giám sát từ bệnh viện rất quan trọng. Nếu bệnh nhân đến khám có các triệu chứng viêm đường hô hấp nặng, khai thác có yếu tố dịch tễ thì ngay lập tức phải cách ly, điều trị đúng quy trình, không để tình trạng lây chéo xảy ra. Kinh nghiệm từ các ca nhiễm MERS-Cov trên thế giới cho thấy 75% số ca lây từ người qua người. Đối tượng bị lây nhiễm là những ai tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó có cả nhân viên y tế.
Hiện nay, tất cả các đơn vị trong ngành y tế đều đang tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng địa phương. Trong đó, các địa phương, đơn vị kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch, lực lượng cơ động, thuốc, hóa chất, trang thiết bị phải trong tư thế sẵn sàng.
MINH HẠNH