Ngày 12-4, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai phòng, chống dịch cúm A/H7N9.
Theo đó, Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm. Tăng cường giám sát tại cộng đồng và các cơ sở điều trị, phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng để điều trị và xác minh nguyên nhân gây bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm gia cầm nói chung, cúm A/H7N9 nói riêng. Chuẩn bị vật tư, phương tiện kỹ thuật, tổ chức các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch. Trong đó, chú trọng giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện đi từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ tổ chức khám sàng lọc cách ly và kịp thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A/H7N9 để triển khai các biện pháp dập dịch, không cho dịch lan rộng, đồng thời thông báo ngay cho Sở Y tế để phối hợp các biện pháp phòng, chống lây nhiễm sang người.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H7N9; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch cúm A/H7N9.
Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
THÙY DƯƠNG