Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

28/09/2015 13:34

Dự báo về tình hình quốc tế 5 năm tới trong phần "Dự báo tình hình trong 5 năm tới" của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI theo tôi chưa đầy đủ.


Về tình hình quốc tế, dự thảo đề cập: "Trong giai đoạn 2015-2020, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động; việc hình thành cộng đồng chung ASEAN, trong đó có trụ cột về kinh tế sẽ mở ra những cơ hội mới". Nội dung này mới chỉ nói tới thuận lợi về mặt kinh tế, chưa nói tới những thuận lợi khác về mặt chính trị, xã hội của thế giới sẽ tạo thuận lợi như thế nào. Do vậy, tôi đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm, nên viết là: "Trong giai đoạn 2015-2020, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi. Tuy còn nhiều diễn biến phức tạp song xu thế hòa bình, hợp tác, cùng phát triển vẫn là xu thế lớn trên trường quốc tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động; việc hình thành cộng đồng chung ASEAN, trong đó có trụ cột về kinh tế sẽ mở ra những cơ hội mới".

Được biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia) đã được ký kết nên dự thảo cần sửa là: "Một số hiệp định thương mại song phương, đa phương đang đàm phán, có khả năng ký kết trong thời gian tới, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU... sẽ mở ra cơ hội mới cho thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước".

Trong phần "Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm", dự thảo dành một mục riêng về "Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế" là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu mới đang đặt ra. Tôi tán thành các giải pháp mà dự thảo đề ra về vấn đề này. Để tỉnh ta hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) thời gian tới được thuận lợi, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tôi xin đề xuất một số giải pháp trước mắt cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, tỉnh cần sớm ban hành một chương trình hành động về HNKTQT. Hiện nay, nước ta đã ký kết và đang đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ tác động lớn đến kinh tế nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng. Vì vậy, tỉnh cần có một chương trình hành động riêng về vấn đề này, giúp nắm bắt được cơ hội, khắc phục khó khăn để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành và các địa phương cần lồng ghép, bổ sung những giải pháp liên quan đến HNKTQT, tránh tình trạng bị động khi hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thứ ba, lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất khi hội nhập sâu. Hiện nay, thông tin về thị trường của các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia còn thiếu; nhiều người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý chưa nắm rõ vấn đề này. Nhiều câu hỏi quan trọng cần trả lời như chúng ta có thể xuất khẩu hàng hóa gì sang nước bạn? Liệu hàng hóa đó có cạnh tranh được không? Những sản phẩm nào của nước đó sẽ vào nước ta và cạnh tranh như thế nào với sản phẩm nội địa?... Những thông tin này rất cần được cơ quan chức năng nghiên cứu và tuyên truyền rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp.

HÀ VĂN TƯỞNG(Cẩm Giàng)

(0) Bình luận
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế