Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phát công điện số 3 về việc ứng phó với bão số 8 và mưa lớn sau bão.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại trạm bơm Đò Phan (Thanh Hà)
11 giờ 30 phút ngày 13.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh phát công điện số 3 gửi Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã và các cấp, ngành liên quan về việc ứng phó với bão số 8 và mưa lớn sau bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động phòng chống, ứng phó theo kế hoạch. Rà soát các phương án ứng phó với mưa, bão đã xây dựng; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng triển khai ứng phó các tình huống. Các địa phương, đơn vị khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín, diện tích lúa bị đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động tiêu thoát nước cho diện tích cây trồng chưa thu hoạch và cây vụ đông mới trồng để giảm thiểu thiệt hại. Chú ý phương án chống úng ở khu vực trũng thấp, khu nuôi thủy sản tập trung, bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông. Bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu; các vị trí sạt lở bãi sông chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải. Có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong điều kiện áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi: Hải Dương, Bắc Hưng Hải và Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án phòng chống mưa lớn, úng ngập theo kế hoạch. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.
TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất để triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn cho hồ đập và các khu vực mỏ khai thác đá, đất sét trên địa bàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo, rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, TKCN, ứng phó và khắc phục hậu quả sau mưa, bão, úng ngập khi có yêu cầu. Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lớn, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và nhân dân về diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động kiểm tra và chỉ đạo việc triển khai công tác chuẩn bị đối phó và khắc phục hậu quả mưa, bão.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 kết hợp với không khí lạnh, từ chiều 13.10, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông đề phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ chiều tối 13.10, gió mạnh dần lên cấp 4, cấp 5. Đợt mưa này sẽ kéo dài tới ngày 15.10. Tổng lượng mưa ở các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh phổ biến từ 80-100 mm. Các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và TP Hải Dương có mưa cả đợt từ 100-120 mm, có nơi cao hơn.
NM