Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những tháng cuối năm ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Dương
Sáng 16.7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị sơ kết trực tuyến toàn quốc ngành tài chính để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính-ngân sách nhà nước đã đề ra. Điều hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt, kịp thời ứng phó với dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội. Kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Giá cả, thị trường được kiểm soát, các thị trường tài chính tiếp tục phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính góp phần quan trọng thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Duy trì đà tăng trưởng kinh tế...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu 6 tháng cuối năm ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo, rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao. Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương triển khai có hiêụ quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính cần tập trung, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc cho các hoạt động đầu tư. Ứng dụng kỹ thuật số, thương mại điện tử, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính.
Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân; quản lý thu phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Dự báo, đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp. Điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ đi đôi với tăng cường phối hợp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, linh hoạt kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục theo dõi diễn biến của giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công khai, minh bạc trong thu, chi ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế tài chính...
PV