Nhằm đối phó với diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn cục bộ, các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp chống úng.
Hiện nay, cơ bản các trạm bơm trong tỉnh đã được nâng cấp và sẵn sàng chống úng
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn cục bộ thường xuyên xảy ra đã gây ngập úng nhiều diện tích rau màu. Năm nay, để giảm thiệt hại, các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp chống úng.
Nâng cấp các trạm bơm
Lê Lợi (Gia Lộc) là một trong những xã chuyên canh rau màu lớn của tỉnh nhưng thường xuyên xảy ra ngập úng kéo dài do hạ tầng thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu. Trạm bơm Bùi Hạ phục vụ tiêu úng cho toàn bộ khu vực này nhưng công suất thấp, máy móc cũ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2019, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp toàn bộ trạm bơm với 4 máy tiêu có công suất 4.000 m3/h, 1 máy tưới 1.000 m3/h và nhà quản lý. Đến nay, trạm bơm đã sẵn sàng tiêu úng cho 655 ha đất nông nghiệp của các xã Lê Lợi, Phương Hưng, Toàn Thắng và một phần xã Đoàn Thượng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện, Gia Lộc có diện tích trồng rau màu lớn nhất tỉnh, với 1.500 ha/vụ, chưa kể diện tích trồng lúa và đất sản xuất ở các vùng chuyển đổi. Trong đó, có nhiều vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng. Việc chống úng được đơn vị đặt lên hàng đầu trong mùa mưa bão. Từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều trạm bơm được tu sửa, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu úng cho các vùng sản xuất. Hiện trạm bơm Đồng Quang đang được xây dựng với tổng đầu tư khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Sau khi trạm bơm này được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm tiêu úng cho toàn bộ khu vực huyện Gia Lộc và một số vùng lân cận.
Tình trạng ngập úng cục bộ cũng thường xuyên xảy ra ở vùng trồng rau màu của xã Phạm Kha (Thanh Miện). Nhưng nhờ chủ động chống úng nên đã hạn chế được thiệt hại cho rau màu. Ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Phạm Kha có diện tích trồng rau màu lớn nhất huyện. Trước mùa mưa bão, HTX đã tiến hành nạo vét hệ thống kênh tiêu, vớt vật cản để giải tỏa dòng chảy. Trước mỗi trận mưa lớn, HTX theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để chủ động các phương án đối phó. Nếu lượng mưa lớn, HTX sẽ đề xuất với Xí nghiệp KTCTTL huyện vận hành các trạm bơm tiêu úng, trạm bơm dã chiến. Nếu lượng mưa vừa phải thì chỉ cần mở các cống tự tiêu. Do chủ động chống úng nên những năm gần đây, thiệt hại do ngập úng ở đây giảm nhiều.
Rau màu của người dân xã Phạm Kha (Thanh Miện) không bị ảnh hưởng sau mưa do địa phương làm tốt việc tiêu úng
Tiêu úng nhanh, giảm thiệt hại
Trước đây, cứ vào mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Đường ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) lại nơm nớp lo lắng. Gia đình ông có 4 sào trồng màu ở cánh đồng thôn Đỗ Hạ thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Nhưng từ năm trước, ngập úng đã giảm đáng kể. “Trước đây, ngập úng thường kéo dài cả ngày. Rau màu bị mưa làm dập nát, lại ngâm lâu trong nước nên bị thối phải trồng lại. Nhưng giờ thì khác, như trận mưa lớn gần đây đã làm nhiều diện tích rau màu trong xã bị ngập nhưng chỉ vài tiếng sau nước đã rút. Gia đình tôi trồng 4 sào hành cũng bị ngập nhưng do tiêu úng nhanh nên giảm thiệt hại”, ông Đường phấn khởi nói.
Bà Đặng Thị Khuyên ở thôn Bùi Hạ, xã Lê Lợi (Gia Lộc) cũng vui mừng vì gần 2 sào đậu bắp mới trồng không bị ngâm lâu trong nước trong trận mưa gần đây. Theo bà Khuyên, trước đây khu đồng Sau Ranh thường xuyên bị ngập, thoát nước chậm. Năm nay, hệ thống mương máng đã được cải tạo, trạm bơm Bùi Hạ được nâng cấp nên tiêu thoát nước nhanh. Trận mưa lớn đầu tháng 6 làm ngập một số khu vực trũng thấp, nhưng sau đó nước tiêu nhanh không ảnh hưởng đến rau màu và lúa.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm nay tỉnh sẽ bị ảnh hưởng khoảng 1-2 cơn bão, toàn mùa sẽ có từ 6-8 trận mưa to đến rất to. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp. Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh cho biết: “Để chuẩn bị chống úng ngập trong mùa mưa bão năm nay, công ty đã yêu cầu Xí nghiệp KTCTTL ở các huyện, thành phố kiểm tra toàn bộ hệ thống máy móc, nhà quản lý, bể xả, vớt rong bèo, giải tỏa vật cản trên sông... Trong năm 2018, công ty đã nâng cấp 8 trạm bơm chuyên tiêu ở các huyện, thành phố với tổng vốn đầu tư khoảng 66 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các trạm bơm đã được nâng cấp xong và sẵn sàng chống úng”.
TRẦN HIỀN