Chủ động chống hạn vụ đông xuân

06/01/2016 07:19

Tìm giải pháp để cứu những vùng đất khô hạn là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân này.




 Lạc là một trong những cây trồng được một số địa phương khuyến khích
mở rộng diện tích để đối phó với tình trạng hạn hán


Vụ đông xuân năm nay, dự báo El Nino sẽ đạt cường độ mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm qua. Do đó, tìm giải pháp để cứu những vùng đất khô hạn là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh ta hiện nay.

Thay đổi cơ cấu cây trồng

Nhiều năm nay, cánh đồng Dừa ở xã Cao An (Cẩm Giàng) đều được gọi là “cánh đồng khát”. Trong khi nhiều nơi khác nông dân đã bắt đầu làm đất gieo cấy thì ở đây bà con vẫn mong ngóng nước đổ ải từng ngày. Bà Nguyễn Thị Giang có ruộng ở cánh đồng này cho biết: “Năm nay, nghe dự báo khô hạn sẽ diễn ra gay gắt hơn mọi năm. Ruộng nhà tôi lại ở nơi cao và xa nhất cánh đồng nên bây giờ không còn cách nào khác là chuyển sang trồng lạc. Mặc dù lạc bị chuột phá hại nhiều nhưng còn hơn cấy lúa vì sẽ phải đợi nước”.

Phần lớn đồng ruộng ở Cẩm Giàng phụ thuộc vào nguồn nước của hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Thế nhưng, vụ xuân mấy năm gần đây mực nước sông liên tục xuống thấp. Giai đoạn đổ ải, nhiều địa phương trong huyện đã chờ lấy nước ngược từ cống Cầu Xe nên nhiều trạm bơm phải nghỉ chờ nước, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất gieo cấy. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết: “Năm nay, không đợi xảy ra khô hạn huyện mới bàn giải pháp đối phó mà trước đó chúng tôi đã mạnh dạn khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ở những xã như Đức Chính, Cẩm Văn cần mở rộng diện tích cà rốt xuân, còn những xã khác có thể phát triển các loại cây như ngô, đỗ, lạc. Đây phần lớn là những cây trồng không cần nhiều nước, hoàn toàn có thể thay thế lúa và đem lại giá trị kinh tế cao”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đối phó với tình trạng thiếu nước đã được nhiều địa phương đưa ra để thực hiện ngay trong vụ xuân năm nay. Đối với vùng sản xuất lúa, các cơ quan chuyên môn đã chủ động khuyến cáo nông dân giảm trà xuân sớm cấy bằng mạ dược sang cấy trà xuân muộn bằng mạ sân vì không cần nhiều nước. Thậm chí trà xuân muộn trước đây nông dân thường cấy bằng mạ sân thì năm nay chuyển sang gieo thẳng. Biện pháp gieo thẳng đã trở thành một trong những "nghệ thuật" canh tác lúa hiệu quả đã được nông dân tỉnh ta thực hiện khá hiệu quả nhiều năm qua, nhất là ở những huyện thường xuyên thiếu nước như Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện… Bên cạnh đó, nhiều giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt cũng đã được đưa vào cơ cấu gieo cấy như Syn6, P6 đột biến… Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cấy trồng là giải pháp phù hợp trong điều kiện thiếu nước sản xuất năm nay. Những địa phương ven đường 18 của thị xã Chí Linh chúng tôi tiếp tục khuyến khích nông dân trồng lạc xuân. Một số nơi có thể trồng ngô nếp hoặc đỗ tương. Tùy vào chất đất, từng địa phương sẽ hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng những cây rau màu phù hợp”.

Mặc dù chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ giúp nông dân đối phó với tình trạng thiếu nước kéo dài nhưng các địa phương cũng cần quan tâm hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đưa vào trồng những cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu của từng vùng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng vẫn phải tuân thủ lịch thời vụ chung, không để ảnh hưởng đến sản xuất vụ sau.

Nâng cao năng lực công trình thủy lợi

Dự báo năm nay nguồn nước thượng nguồn về hệ thống các sông ở tỉnh ta sẽ giảm khoảng 80% so với trung bình nhiều năm. Trên nhiều lưu vực sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong lịch sử, các địa phương lấy nước tự chảy của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục được tình trạng này, theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì nâng cao năng lực công trình thủy lợi vẫn là giải pháp hàng đầu. Ông Chinh cho biết: “Năm nay, Sở NN-PTNT đã giao kế hoạch làm thủy lợi đông xuân sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Do đó, nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch sớm. Một số tuyến kênh quan trọng mặc dù đã làm xong thủy lợi đông xuân nhưng chưa tốt nên chúng tôi đã yêu cầu làm lại. Riêng các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện và thị xã Chí Linh là những nơi thường xuyên thiếu nước, chúng tôi yêu cầu lên phương án chống hạn sớm và cụ thể, chi tiết hơn những năm trước”.

Năm nay, huyện Cẩm Giàng đã chuẩn bị các điều kiện để trạm bơm Tiên Kiều bơm cấp nguồn từ sông Thái Bình chống hạn cho các xã Cao An, Cẩm Vũ, Đức Chính, Cẩm Hoàng… Trạm bơm Ghẽ bơm cấp nguồn cho các xã Thạch Lỗi, Cẩm Sơn. Riêng thị xã Chí Linh, để đủ nước đổ ải vào giai đoạn thiếu nước gay gắt, địa phương cũng đã chuẩn bị khoảng 20 máy bơm dã chiến bơm gạn lòng hồ. Tất cả các máy bơm này đã được đưa về các điểm thường xuyên thiếu nước. Những địa phương của Bình Giang, Thanh Miện cũng đã cho nạo vét khẩn cấp một số tuyến kênh để chống hạn.

Nhiều nông dân ở thị xã Chí Linh vẫn duy trì việc khoan nước, đào giếng chống hạn, nhất là ở những vùng trồng cây ăn quả, Anh Nguyễn Ngọc Thủy ở xã Hoàng Tiến cho biết: “Mấy năm nay nếu không nhờ đào giếng lấy nước tưới thì na, cam ở đây không sống nổi. Năm nay, một số hồ đã được nạo vét, cải tạo nên khả năng cấp nước tốt hơn. Trước mắt, khi nước ở các hồ chưa cạn chúng tôi vẫn dùng máy bơm dầu để bơm tưới cho cây trồng. Thế nhưng chúng tôi vẫn mong các cơ quan chức năng sớm nạo vét, nâng cấp hồ đập bởi đào giếng lấy nước chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải lâu dài vì chất lượng nước giếng khoan không phù hợp với cây trồng”.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động chống hạn vụ đông xuân