Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp nên nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật rất cao.
Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về vấn đề này.
- Diễn biến thời tiết hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh, thưa ông?
- Những ngày qua, rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa ẩm không những làm giảm sức đề kháng của vật nuôi mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại, phát tán. Mặt khác thời điểm cuối năm, nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng cao càng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các loại bệnh như lở mồm, long móng, dại, tai xanh, cúm gia cầm… sẽ là mối lo ngại lớn, đe dọa tới đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Một khi dịch bệnh xảy ra trong thời gian này sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
- Có cách nào để khống chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi hay không?
- Để hạn chế tới mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng, chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn phải chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là. Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi bằng cách tăng cường kiểm tra để nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch. Khoanh vùng các khu vực có khả năng xuất hiện dịch bệnh để đưa ra cảnh báo và xử lý dứt điểm, triệt để khi bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý trong việc kiểm soát dịch bệnh thì các hộ chăn nuôi cũng cần tích cực thực hiện các biện pháp để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi theo quy định, tiêm bổ sung khi nhập đàn. Giữ ấm cho vật nuôi nhưng phải bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng từ 2-3 lần/tuần để diệt trừ mầm bệnh gây hại. Kiểm soát việc ra vào chuồng trại nhằm hạn chế bệnh lây lan từ nơi này sang nơi khác. Khi thấy vật nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh, cần thông báo cho cán bộ thú y phụ trách địa bàn để xử lý hiệu quả, kịp thời, tránh tình trạng giấu dịch, bán tháo vật nuôi.
- Xin cảm ơn ông!
NM(thực hiện)