Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và hoạt động của vùng thấp, từ ngày 28.8, các khu vực trong tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trạm bơm Văn Thai (Cẩm Giàng) hoạt động hết công suất
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tính đến chiều 30.8, lượng mưa phổ biến từ 130-150 mm. Các địa phương có lượng mưa lớn là Thanh Miện (203 mm), Bình Giang (194mm), Tứ Kỳ (189mm), Gia Lộc (174,6mm)...
Từ ngày 31.8, trên địa bàn Hải Dương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông đề phòng có gió giật mạnh. Từ ngày 31.8-2.9, hạ lưu sông Thái Bình sẽ xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 2-2,5 m. Đỉnh lũ trên sông Thái Bình đạt dưới mức báo động I. Các sông khu vực hạ lưu của tỉnh như Gùa, Rạng, Kinh Môn, đỉnh triều dao động ở mức từ 1,5-1,6 m. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1.
Nông dân Gia Lộc bảo vệ rau màu bằng khum nilon để hạn chế dập nát do mưa lớn
Do ảnh hưởng của mưa lớn nên mực nước các kênh trục dâng cao. Chiều 30.8, mực nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải tại Bá Thủy đạt 2,04 m, dưới mực nước thiết kế tiêu là 0,51 m. Để chủ động ứng phó trước tình hình mưa lớn có khả năng kéo dài, ngày 30.8, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã vận hành 47 trạm bơm với 237 máy bơm bơm tháo gạn nước đệm, hạ thấp mực nước kênh trục tại 10 huyện, thị xã.
Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để vận hành công trình phù hợp. Vận hành tối đa các trạm bơm khi xảy ra ngập úng. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống hồ đập và các công trình đang xây dựng, sửa chữa, nâng cấp.
NGUYỄN MƠ